Thạch tín hữu cơ và vô cơ khác nhau như thế nào?

(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm hơn 100 mẫu nước mắm cho thấy tỉ lệ có asen hữu cơ rất cao. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cần phân biệt hai dạng thạch tín (asen): hữu cơ gần như không gây tác hại gì với con người và vô cơ rất độc cho sức khỏe.

Định danh hai loại thạch tín

Thạch tín vô cơ là nguyên tử arsen (As) ở dạng kim loại, tinh khiết, hoặc trong các hợp chất arsen không liên kết với gốc carbon (C) như trong triclorua arsen (AsCl3). Hai loại thạch tín vô cơ chính là arsenite và arsenate, cả hai đều độc hại và là chất gây ung thư.

Thạch tín hữu cơ là hợp chất hữu cơ có chứa nguyên tử arsen, như acid 4-hydroxy-3-nitrobenzenearsonic

Thạch tín hữu cơ và vô cơ khác nhau như thế nào? - 1

Hai loại thạch tín hữu cơ thường được tìm thấy trong hải sản và được gọi là "thạch tín cá" (fish arsenic) là aresenobetaine và arsenocholine. Thạch tín arsenocholine độc hơn arsenobetaine, nhưng nói chung đều là tương đối an toàn cho con người. Hai thạch tín hữu cơ khác là monomethylarsonic acid (MMA) and dimethylarsinic acid (DMA) thường được tìm thấy trong trái cây, rau và ngũ cốc.

Theo Hiệp hội Ung thư (American Cancer Society, ACS), Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (Environmental Protection Agency, EPA) và Trung tâm kiểm soát bệnh (Control Disease Center, CDC) Hoa Kỳ, thì các thạch tín hữu cơ không được phân loại là chất gây ung thư sau nhiều thập kỷ nghiên cứu.

Theo Cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các hợp chất thạch tín hữu cơ có thể gây độc cho cơ thể chỉ sau khi nó chuyển thành dạng thạch tín vô cơ. Do đó nói chung tất cả các hợp chất asen là đều có xu hướng gây độc với mức độ khác nhau.

Thạch tín hữu cơ và vô cơ khác nhau như thế nào? - 2

Nguồn thạch tín gây ô nhiễm

Thạch tín là thành phần tự nhiên của vỏ trái đất và được phân bố rộng khắp môi trường không khí, nước và đất. Con người phơi nhiễm thạch tín vô cơ qua nước uống, thức ăn bị ô nhiễm, hít thở khói bụi, xăng xe, hóa chất, hút thuốc lá…..Phơi nhiễm thạch tín mãn tính gây nhiều tổn thương và ung thư da rất đặc trưng.

Những độc tính của thạch tín

Nhiễm độc thạch tín cấp gây nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó tê và ngứa da và các chi, chuột rút cơ bắp và chết trong trường hợp nặng.

Tiếp xúc thạch tín lâu dài gây tổn thương da như thay đổi sắc tố, sừng hóa lòng bàn tay, bàn chân …lâu dài gây ung thư da. Ngoài ung thư da, thạch tín còn có thể gây ra ung thư bàng quang và phổi. Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) đã phân loại các hợp chất thạch tín, đặc biệt nhiễm thạch tín trong nước uống là gây ung thư cho con người.

Phơi nhiễm thạch tín lâu dài còn gây các bệnh lý thần kinh, đái tháo đường, bệnh phổi và bệnh tim mạch. nhồi máu cơ tim, bệnh lý thai phụ và sơ sinh.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm