Tết đoàn viên của cậu thiếu niên tỉnh dậy sau 2 năm sống thực vật
(Dân trí) - 14 tuổi cậu thiếu niên quê Hòa Bình đã bị di chứng nặng nề của bệnh viêm não Nhật Bản phải sống thực vật, ánh mắt mở vô hồn. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi cậu đã tỉnh lại, cười rạng rỡ, ngắm nhìn mọi thứ xung quanh sau hai năm.
Tết này căn nhà nhỏ tại xã Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình bỗng trở nên ấm cúng, rộn ràng hơn cả, không còn cảnh đìu hiu, heo hắt, người ở bệnh viện, người ở nhà như hai năm trước. Dù vẫn còn phải nằm trên giường bệnh, nhưng cậu thiếu niên Bùi Ngọc Thạch, 16 tuổi đã có bước tiến triển vượt bậc.
Cậu đã có thể cười, cử động hai chân, nhận được người thân, ăn được thức ăn lỏng, không còn là ánh mắt mở vô hồn như trước.
2 năm sống thực vật
Tháng 10/2017, tai họa bỗng dưng ập xuống căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Bùi Văn Diệt khi con trai mắc viêm não Nhật Bản. Căn bệnh đáng sợ ấy đã để lại di chứng nặng nề khiến Thạch rơi vào trạng thái sống thực vật. Khi đó cậu thiếu niên ấy mới chỉ 14 tuổi.
Sau 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) với phác đồ tối ưu nhất nhưng vẫn không có tiến triển, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
TS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhớ lại lúc đó cháu vẫn trong trạng thái hôn mê, thở phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, liệt tứ chi, không có phản xạ nuốt, mắt mở vô hồn, không có bất cứ đáp ứng nào với mọi người xung quanh, ăn uống phụ thuộc vào việc bơm qua ống xông đặt vào dạ dày. Mục tiêu khi đó là cố gắng cứu sống được bệnh nhân và phục hồi tối đã nhất các chức năng.
“Tôi vẫn có niềm tin nội tâm là bệnh nhân có thể sống sót nhưng rất có thể sẽ rơi vào trạng thái sống thực vật”, TS Tình nói khi đánh giá về khả năng phục hồi của bệnh nhân tại thời điểm đó.
Thạch tiếp tục được điều trị theo phác đồ trước đó. Các bác sĩ đã đưa ra lộ trình điều trị và xác định mục tiêu ưu tiên cho từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu ưu tiên tối đa cho việc cai máy thở để bệnh nhân có thể tự thở mà không phụ thuộc vào máy. Theo TS Tình, về lý thuyết, không bệnh nhân nào có thế sống mãi với máy thở vì những nguy cơ do thở máy là rất nhiều: nhiễm khuẩn, xẹp phổi, chấn thương phổi do áp lực gây tràn khí màng phổi.
Tiếp đến là tập trung vận động chân tay và thay đổi tư thế cho bệnh nhân. Mục đích vừa nhằm phục hồi chức năng vận động, vừa tránh bị loét những vùng tỳ đè do nằm bất động dài ngày.
Một liệu pháp điều trị nữa, đó là các y bác sĩ và người nhà luôn dành thời gian để giao tiếp với bệnh nhân bằng lời nói và cử chỉ. Tất cả đều hy vọng một điều kỳ diệu nào đó giúp tri giác của cháu hồi phục.
“Điều kỳ diệu ngày thứ 6”
Và quả thực trời đã không phụ lòng người. Cậu thiếu niên ấy đã không phụ lòng gia đình, các thầy thuốc. Ngày 18/10/2019, bác sĩ gọi đó là “điều kỳ diệu ngày thứ 6”.
TS Tình nhớ lại đêm hôm trước đó, người nhà bệnh nhân đã cảm nhận có sự thay đổi ở con. Sáng hôm sau khi đi điểm bệnh, các bác sĩ đã rất bất ngờ khi bệnh nhân tỉnh lại, có dấu hiệu nhận biết được xung quanh. Theo hướng dẫn, bệnh nhân đã làm được các động tác: nhắm mắt, mở mắt, đưa mắt sang trái, sang phải, há miệng, thè lưỡi...
“Và một điều ngạc nhiên là khi chúng tôi bảo cười, cháu đã cười rất tươi và nhìn mọi người xung quanh. Việc bệnh nhân tỉnh lại và nhận biết được người thân đã là một sự bất ngờ đối với chúng tôi”, TS Tình chia sẻ.
Đó cũng là động lực để y bác sĩ có thêm những hy vọng tốt đẹp về ca bệnh này, mặc dù biết rằng phía trước còn rất nhiều gian nan.
Từ đó trong các đêm trực, các điều dưỡng của khoa thường dành thời gian trò chuyện với bệnh nhân. Do vẫn còn phải tự thở qua ống mở khí quản ở vùng cổ nên Thạch chưa thể phát âm được nhưng đã hiểu được lời nói và cử chỉ của thầy thuốc và người thân. Trong trận Chung kết môn bóng đá Seagame 30 vừa rồi, cậu rất chăm chú xem qua điện thoại và cười rất tươi khi có cầu thủ ghi bàn.
Với gần hai năm gần như liệt tứ chi, đến nay bệnh nhân đã cử động 2 chân khá tốt, 2 tay đã có dấu hiệu cử động trở lại. Và một điều rất đáng tự hào là bệnh nhân không hề bị loét.
Suốt 2 năm điều trị bệnh cho con, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ nhưng vợ chồng ông Diệt thấy đáng giá vì con họ đã tỉnh lại. Các y bác sĩ cũng lây sự quyết tâm từ chính gia đình.
Mệt mỏi đủ đường, nhưng gia đình ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
“Tôi luôn nghĩ rằng, còn nước còn tát, phải cố gắng cứu con bằng mọi giá, dù có phải đánh đổi điều gì. Tôi không mơ ước điều gì quá cao xa, chỉ cần con sống, trở về nhà với bố mẹ…”, ông Diệt xúc động nói.
Ngày trở về nhà
Hai năm gắn bó với bệnh viện là hai cái Tết bệnh nhân gắn bó với các thầy thuốc. TS Tình vẫn nhớ cảm giác cách đây một năm, khi cùng các lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế đi chúc Tết, động viên các gia đình có người nhà điều trị ở bệnh viện.
Mặc dù vẫn luôn động viên người nhà ông Diệt cố gắng, nhưng trong thâm tâm người bác sĩ ấy vẫn luôn trăn trở khi thấy Thạch không tỉnh lại, không cai được máy thở, vẫn bất động tứ chi.
Thế nhưng Tết năm nay mọi thứ đã thay đổi. Thạch đã tỉnh lại, đã cai được máy thở, đã cử động được 2 chân, bắt đầu tập ăn qua đường miệng.
Ngày 4/1 là đêm Thạch thức khuya đó là vì ngày mai cậu đã có thể xuất viện. Tết này cậu sẽ được đón Tết ở nhà, bên gia đình.
Ông Diệt không giấu được niềm hạnh phúc trong ánh mắt, khóe miệng cũng bất giác rạng rỡ. Sau 2 năm, đến tận bây giờ, người đàn ông 58 tuổi ấy mới được vui như vậy.
Về nhà ăn Tết, khoa vẫn bố trí cán bộ y tế để đảm bảo các điều kiện tốt nhất về chuyên môn, kết nối với gia đình để nắm bắt tình hình sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hằng ngày của bệnh nhân tại nhà để có những phương án hỗ trợ khi cần thiết.
Gần hai năm là khoảng thời gian thầy thuốc và người nhà phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. “Nói thật, đã có lúc chúng tôi thất vọng, cũng có những lúc chúng tôi hy vọng rồi thất vọng. Và bây giờ mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng chúng tôi vẫn rất hy vọng”, TS Tình chia sẻ.
Thạch sẽ quay trở lại bệnh viện tái khám vào đầu Xuân để tiếp tục lộ trình điều trị phục hồi chức năng. Chăm sóc và theo dõi bệnh nhân trong giai đoạn tiếp theo là một công việc vô cùng quan trọng. Đây mới chỉ là thành công bước đầu.
TS Tình cho biết kế hoạch tiếp theo là cố gắng rút được ống mở khí quản để cậu thở tự nhiên qua đường mũi và hướng dẫn phát âm, tập ăn theo đường miệng. Sau đó sẽ tiếp tục mục tiêu phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân, với hy vọng bệnh nhân có thể đi lại được.
Nam Phương