1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tết của người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau 36 giờ cấp cứu

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đang khỏe mạnh, người đàn ông bỗng nhiên thấy khó thở rồi lâm vào nguy kịch. Tỉnh lại sau 36 giờ cấp cứu liên tục, anh được bác sĩ thông báo đã bị suy thận giai đoạn cuối.

Ước mơ của người đàn ông suy thận giai đoạn cuối

Rời khỏi nhà từ 5h, anh Nguyễn Thanh Nhàn (48 tuổi, quê Cần Thơ) rong ruổi khắp nơi với 200 tờ vé số. Đến 7h30, anh tranh thủ đến tham gia "Chợ Tết đoàn viên" tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) rồi tiếp tục đi bán.

Trước đó, trong một ngày vào viện chạy thận, anh nhận được tin có chương trình ý nghĩa nêu trên. "Tôi đang nghỉ ngơi vì vẫn còn đau và mệt thì có chị y tá đến, ghi tên vào danh sách nhận quà Tết…", người đàn ông kể, giọng toát lên niềm vui.

Tết của người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau 36 giờ cấp cứu - 1

"Chợ Tết đoàn viên" tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Anh Thư).

Không đủ khả năng tự đi đứng, anh Nhàn được một nhân viên y tế dùng xe lăn của bệnh viện đẩy vào tham gia chương trình. Dù chỉ ngồi một chỗ theo dõi, người đàn ông gần như không bỏ sót một khu vực nào của phiên chợ Tết tổ chức ở nơi mình điều trị.

Nghe phóng viên hỏi về thời gian bắt đầu chạy thận, anh Nhàn chia sẻ: "Năm đó tôi đang làm nghề sơn ô tô thì bỗng nhiên thấy khó thở, rồi tình hình ngày càng nguy kịch. Tôi phải cấp cứu suốt 36 tiếng. Sau khi tỉnh lại, bác sĩ thông báo tôi đã bị suy thận giai đoạn cuối rồi…".

Từng là trụ cột trong nhà, giờ đây cơ thể anh Nhàn trở nên tiều tụy vì bệnh tật. Kinh tế gia đình anh theo thời gian dần kiệt quệ, khi người vợ cũng phát hiện suy tim. Để có chi phí trang trải cho hành trình chạy thận 3 lần mỗi tuần của chồng, kiểm soát bệnh tim của vợ và lo cho 2 con nhỏ, họ phải vất vả ngày đêm với những xấp vé số.

Tết của người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau 36 giờ cấp cứu - 2

Người đàn ông bị suy thận giai đoạn cuối tranh thủ đến chương trình trước khi tiếp tục đi bán vé số (Ảnh: Anh Thư).

Trong khoảnh khắc có mặt tại chương trình "Chợ Tết đoàn viên", anh Nhàn sực nhớ từ lâu lắm rồi mình không còn dịp sum họp gia đình, vì bị bệnh tật hành hạ. Chuyện về quê ăn Tết đối với anh là điều rất xa xỉ, phần vì không có tiền dư dả để mua vé xe và đủ thứ chi phí phát sinh, phần do sức khỏe không cho phép. 

"Tôi nhớ quê nhà lắm, nhưng phải ở lại thành phố chạy thận và bán vé số. Tết này, tôi chỉ mong ước có một ngày thảnh thơi bên vợ và các con. Nhưng nghỉ thì tiền đâu trang trải cuộc sống…", người đàn ông ngậm ngùi.

Để mọi người có cái Tết đoàn viên, trọn vẹn

 "Chợ Tết đoàn viên" nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Trong chương trình có phiên chợ 0 đồng, với đầy đủ các quầy như thực phẩm, quần áo, vải… phục vụ người bệnh và thân nhân, những gia đình khó khăn của địa phương dịp Tết.

Ngoài ra, người tham gia chợ Tết còn được cắt tóc miễn phí và dùng bữa sáng mang hương vị Tết, bằng món bánh chưng ăn cùng củ kiệu. Qua "Phiên chợ 0 đồng" lần thứ 7, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã trao tặng 600 phần quà, cũng như lì xì Tết cho các cán bộ viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị.

Tết của người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau 36 giờ cấp cứu - 3

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tham gia "Chợ Tết đoàn viên" (Ảnh: Anh Thư).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ, ngoài các hoạt động trên, tại chương trình, nơi này còn trao 50 thẻ bảo hiểm y tế dành cho người có hộ nghèo và cận nghèo sống trên địa bàn và người bệnh, thân nhân của nhân viên y tế khó khăn.

Đặc biệt, bệnh viện cũng trao kinh phí hỗ trợ và tặng quà Tết cho 10 hoàn cảnh mất người thân trong đại dịch Covid-19. Là một trong 10 trường hợp được hỗ trợ, từ chỗ gặp rất nhiều khó khăn giai đoạn hậu Covid-19, Thanh Thủy (23 tuổi) giờ đã trở thành cử nhân chuyên ngành Kinh tế - Luật.

Cô gái đang tìm việc làm để đỡ đần cha, lo cho hai em nhỏ ăn học. Vì với đồng lương công nhân 7 triệu đồng/tháng, người cha không thể một mình gồng gánh nuôi cả gia đình 4 người.

Tết của người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau 36 giờ cấp cứu - 4

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh trao kinh phí hỗ trợ cho trẻ mồ côi sau dịch Covid-19 (Ảnh: Anh Thư).

"Kể từ khi mẹ mất đến nay, gia đình mình vẫn chưa thể ổn định. Đó là sự mất mát vô cùng lớn. Mình cảm ơn bệnh viện đã hỗ trợ từ tiền đến gạo, nhu yếu phẩm… để gia đình có kinh phí trang trải, các em có thể đi học tiếp. Tết này, chỉ mong cả nhà có thể quay quần bên nhau", Thủy chia sẻ.

Bác sĩ Khanh chia sẻ, tất cả hoạt động thực hiện trong chương trình vừa diễn ra thời điểm cuối tháng 1 đều hướng đến việc giúp mọi người có cái Tết đoàn viên, trọn vẹn. "Dù điều kiện bệnh nhân có khó khăn, không tiền về quê ăn Tết, phía bệnh viện và các nhà hảo tâm luôn cố gắng đồng hành hỗ trợ", Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói.

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng vừa phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM và các mạnh thường quân tổ chức "Phiên chợ xuân 0 đồng" cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây.

Khoảng 250 phần quà (gồm bao lì xì 200.000 đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm, trị giá khoảng 1 triệu đồng) đã được gửi đến các bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, mỗi người bệnh còn được phát phiếu mua hàng 0 đồng để "đi chợ xuân" tại 12 gian hàng bán trứng, sữa, trái cây, quần áo... đặt ở bệnh viện.

Tết của người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau 36 giờ cấp cứu - 5

Bệnh nhân nhận lì xì tại "Phiên chợ xuân 0 đồng" diễn ra ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: HH).

Đặc biệt, các sinh viên của Học viện Cán bộ TPHCM còn tự tay làm 50 bông hoa xinh xắn tặng những bé điều trị tại khoa Nhi, với mong muốn các em sẽ luôn lạc quan, hồn nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, "Phiên chợ xuân 0 đồng" là cầu nối gắn kết yêu thương giữa nhà hảo tâm với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tiếp thêm nghị lực, sức mạnh giúp họ vượt qua bệnh tật và vui sống.

Hoàng Lê - Anh Thư