Teo cơ delta - Có thể chữa khỏi?

(Dân trí) - Đến nay tại nhiều địa phương như Phú Thọ, Hà Tĩnh, Sơn La, Hà Tây... đã phát hiện khoảng 2.000 bệnh nhân teo cơ delta Nhiều người rất hoang mang không biết căn bệnh này có thể chữa khỏi không?

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi Viện Nhi Trung ương, teo cơ delta hoàn toàn chữa khỏi được. Những trường hợp nặng cần phẫu thuật là có thể hồi phục chức năng vận động, còn những ca nhẹ có thể tự tập luyện mà không cần phẫu thuật.

 

BS Hưng cho biết, đến nay đã có 1.238 trường hợp bị bệnh “chim sệ cánh” được phẫu thuật. Kết quả sau phẫu thuật rất tốt, nhiều trẻ em có thể sinh hoạt bình thường, phục hồi tốt, không để lại di chứng.

 

Chưa xác định được nguyên nhân

 

Đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây xơ hoá cơ delta. Từ thực trạng bệnh teo cơ delta thường khu trú mang tính tập trung trong một khu vực, phạm vi nhất định… có người cho rằng nguyên nhân là do môi trường. Tuy nhiên, giả thiết này chưa thuyết phục được các nhà khoa học.

 

Cũng có ý kiến cho rằng việc tiêm thuốc (kháng sinh, vắc-xin) vào cơ một thời gian dài có thể dẩn đến sự co cứng cơ cũng như xơ hoá cơ delta.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, bệnh này cũng xuất hiện ở Mỹ, Nhật, Đài Loan. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết trường hợp thoái hoá cơ delta đều xảy ra sau tiêm các loại thuốc vào vùng cơ delta mà các thuốc sử dụng thường gặp là Penicilin, Steptomycin, Lincomycin. Tuy nhiên đến nay thể khẳng định mối liên quan giữa tiêm thuốc vào vùng cơ delta và gây xơ hoá cơ delta.

 

Dấu hiệu xơ hoá cơ

 

Theo TS Hưng, hầu hết các bệnh nhân đều bị “xệ cánh” cả 2 bên vai, khuỳnh tay, sệ vai, te cơ…

 

Người dân có thể phát hiện sớm bệnh bằng cách phát hiện những biều hiện của trẻ như trẻ không thể khép chặt hai tay vào thành ngực, hạn chế các hoạt động của khớp vai. Thậm chí có cháu, hai tay dang cách xa thân tới 70 độ.

Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ điều trị (Bộ Y tế) cũng cho biết, chưa thể khẳng định tiêm vắc-xin là nguyên nhân dẫn tới bị teo cơ delta vì trong số những người teo cơ có những bệnh nhân đã 60 tuổi, lứa tuổi chưa bao giờ tiêm vắc-xin.

 

Tuy nguyên nhân của bệnh teo cơ delta chưa được tìm ra nhưng Bộ Y tế đã hoàn thành phác đồ điều trị bệnh và chuẩn bị ban hành trong tháng 5 này.

 

Tại Việt Nam, 8/1994, TS Nguyễn Ngọc Hưng là người phát hiện ca bệnh teo cơ delta đầu tiên.

 

Có chữa khỏi?

 

Theo PGS Nguyễn Ngọc Hưng, với những trường hợp xơ hoá cơ nặng nề, các bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật tách xơ. Hiện nay, có 5 kỹ thuật để mổ xơ hoá cơ, tuỳ vào từng trường hợp, tổn thương cơ nhìn thấy mà bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất cho người bệnh.

 

Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp cắt tạo hình vai chữ Z để không phải cắt bỏ đi đoạn cơ nào, tránh gây lõm trên vai. Sau phẫu thuật sẽ không để lại hậu quả sau này, các chức năng vận động được phục hồi, thậm chí trẻ vẫn có  thể chơi thể thao.

 

Với những trường hợp mới bắt đầu có triệu chứng, bệnh nhân sẽ không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không có chế độ tập luyện kịp thời tình trạng xơ hoá cơ sẽ càng phát triển hơn. Tuỳ tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ sẽ có hướng dẫn vận động, luyện tập vật lý trị liệu phù hợp.

 

Theo PGS Hưng, kỹ thuật mổ xơ hoá cơ delta không có gì phúc tạp. Các bác sĩ tuyến huyện, tỉnh hoàn toàn có thể thực hiện được các ca phẫu thuật sau một thời gian ngắn được tập huấn. Chi phí mỗi ca mổ 1,5 - 2,2 triệu đồng.  

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Bệnh chim sệ cánh