Tê cứng tay do dùng máy tính

Những người làm việc nhiều với máy tính rất dễ mắc hội chứng ống cổ tay với biểu hiện tê cóng, có cảm giác như kiến bò, kim châm ở vùng cổ tay phía gan tay. Bệnh cũng gặp ở người phải làm động tác duỗi bàn tay liên tục như nhạc công, nhân viên massage, họa sĩ...

Ở vùng cổ tay có xương trụ và xương quay nối với các xương tụ cốt... Lớp nông có 2 gân gan tay lớn và gan tay bé, ở giữa có dây thần kinh chi phối cảm giác và vận động gấp cổ tay, các ngón tay. Phía trên chúng có dây chằng rộng bản và chắc, gọi là dây chằng ngang, có nhiệm vụ làm vững đầu dưới xương quay và xương trụ, làm chắc khối phần mềm (gân, thần kinh).

Bình thường, các dây chằng này bảo đảm mức độ chắc, chặt vừa phải, giúp cổ tay và các ngón tay vận động rất linh hoạt. Nhưng khi các dây chằng bị dày, viêm xơ thì gân và dây thần kinh giữa bị chèn ép, tạo thành hội chứng ống cổ tay.

Lúc khởi phát, bệnh nhân thường có hiện tượng khó chịu ở ống cổ tay, bàn tay; nếu nghỉ hoạt động và xoa nắn thì thấy đỡ. Dần dần, ở họ có sự hạn chế vận động 3 ngón tay (ngón cái, trỏ và giữa) dẫn đến hạn chế các động tác có độ chính xác cao. Hội chứng ống cổ tay không nguy hiểm nhưng gây phiền toái, khó chịu.

Hội chứng ống cổ tay là một bệnh nghề nghiệp, hay gặp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, người có bệnh viêm đa khớp dạng thấp, gãy đầu dưới xương quay.

Khi thấy có các dấu hiệu như đã mô tả ở trên, bạn nên đến bác sĩ để khám bệnh. Thầy thuốc có thể làm điện chẩn cơ để xác định vị trí bị chèn ép. Bệnh nhẹ có thể điều trị bằng thuốc chống viêm, xoa bóp, vật lý trị liệu. Ban đêm, nên đeo các nẹp nhẹ để uốn nắn động tác, tư thế “quá duỗi” do nghề nghiệp. Với người mắc bệnh lâu ngày, dây chằng ngang, dây chằng vòng đã xơ dày thì có thể phải mổ để giải phóng sự chèn ép mà không làm thương tổn gân, thần kinh. Bệnh nhân sẽ sớm hồi phục, thoải mái. Sẹo sẽ ngắn, nhỏ, mịn màng đạt yêu cầu về thẩm mỹ.

Có thể ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay bằng cách chọn tư thế hợp lý, không để cổ tay duỗi quá mức; có thời gian nghỉ ngơi, xoa bóp nhẹ nhàng.

Theo GS Dương Đức Bình
Sức khỏe & Đời sống