Tập thể dục thế nào để giữ gìn sự trẻ trung?

(Dân trí) - Tập sức bền, tập kháng lực, hay tập cường độ cao cách quãng - loại tập thể dục nào sẽ giúp cơ thể trẻ trung lâu hơn? Một nghiên cứu mới đã trả lời câu hỏi này.


Loại tập thể dục nào sẽ giúp kìm hãm sự lão hóa?.

Loại tập thể dục nào sẽ giúp kìm hãm sự lão hóa?.

Một yếu tố chủ chốt trong sức khỏe tế bào là telomere, chiếc “mũ an toàn” bảo vệ các sợi vật chất di truyền trong tế bào.

Khi telomere bị ngắn đi, vật chất di truyền sẽ bắt đầu hư hỏng, và điều này sẽ gửi đi một tín hiệu báo rằng tế bào đang già đi và sẽ sớm bắt đầu quá trình chết tế bào.

Enzyme telomerase giúp duy trì độ dài của telomere, nhưng, khi chúng ta già đi, telomerase trở nên ít hoạt động hơn, tác động đến sự lão hóa tế bào.

Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Leipzig ở Đức, phối hợp với các đồng nghiệp từ các cơ quan nghiên cứu khác, đã tìm hiểu xem liệu các kiểu tập thể dục khác nhau có thể làm chậm quá trình lão hóa sinh học hay không.

Nhóm đã nghiên cứu độ dài telomere và hoạt động telomerase ở những người tham gia vào một trong ba kiểu tập thể dục trong thời gian nghiên cứu, cụ thể là tập sức bền, tập cường độ cao cách quãng hoặc tập kháng lực.

Tập sức bền giúp người tập cải thiện sức bền, và bao gồm các hoạt động như chạy, bơi, và đi xe đạp. Tập cường độ cao cách quãng cũng tương tự, nhưng nó đòi hỏi người tập phải có những đợt gắng sức cường độ cao, tiếp theo là nghỉ ngơi và hồi phục, và sau đó lại gắng sức cường độ cao.

Cuối cùng, tập kháng lực – hay tập sức mạnh - là nhằm tăng cường sức mạnh thể lực của một người, và bao gồm các hoạt động như tập tạ.

Các phát hiện từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Heart Journal

Tập sức bền hay tập kháng lực?

Trong nghiên cứu, do GS Ulrich Laufs, Đại học Leipzig làm chủ nhiệm, ban đầu các nhà nghiên cứu đã tuyển 266 người tham gia trẻ và khỏe mạnh nhưng không có lối sống vận động.

Các nhà nghiên cứu đã chia ngẫu nhiên các đối tượng thành bốn nhóm, như sau:

• Một số phải tập sức bền, bao gồm chạy.

• Một số tập cường độ cao cách quãng, bao gồm các buổi tập kết hợp các bài tập khởi động, tiếp theo là bốn vòng chạy cường độ cao xen kẽ với chạy chậm và thời gian nghỉ để kết thúc.

• Một số tập kháng lực, bao gồm các bài tập trên máy, bao gồm kéo giãn lưng, gấp bụng, kéo lên xuống, chèo thuyền ngồi, ngồi gấp duỗi chân, ngồi ép ngực và nằm ấn chân.

• Những người trong nhóm cuối cùng tiếp tục lối sống ít vận động của mình, có vai trò làm nhóm đối chứng.

Thời gian can thiệp là 6 tháng, và những người tham gia thử nghiệm các loại hình tập luyện khác nhau phải thực hiện ba buổi tập kéo dài 45 phút mỗi tuần. Trong tổng số những người tham gia ban đầu, 124 người đã hoàn thành nghiên cứu.

Để xác định kiểu tập nào có hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ lão hóa khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ những người tham gia, một lần vào lúc bắt đầu, và sau đó làm lại 2-7 ngày sau buổi tập cuối cùng khi kết thúc nghiên cứu.

Nhìn vào chiều dài telomere và hoạt động telomerase trong các tế bào bạch cầu của những người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tập sức bền và tập cường độ cao cách quãng được hưởng nhiều lợi ích nhất.

"Phát hiện chính của chúng tôi là, so với khi bắt đầu nghiên cứu và nhóm chứng, ở những người tập sức bền và tập cường độ cao, hoạt động telomerase và chiều dài telomere đều tăng, cả hai đều quan trọng đối với lão hóa tế bào, khả năng tái sinh và do đó là lão hóa khỏe mạnh”, GS. Laufs nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, "Đáng chú ý là tập kháng lực lại không gây ra những hiệu ứng này".

Những thông số mới, hữu ích?

Cụ thể, hoạt động telomerase tăng gấp hai đến ba lần ở những người tập sức bền và tập cường độ cao, trong khi chiều dài telomere cũng tăng đáng kể.

"Nghiên cứu xác định một cơ chế mà qua đó việc tập sức bền – chứ khoonag phải tập sức mạnh - cải thiện sự lão hóa khỏe mạnh", GS. Laufs lưu ý.

"Điều này có thể giúp thiết kế các nghiên cứu trong tương lai về chủ đề quan trọng này bằng cách sử dụng chiều dài telomere như một chỉ báo về 'tuổi sinh học' trong các nghiên cứu can thiệp trong tương lai", ông nói thêm.

Đồng tác giả của nghiên cứu, TS. Christian Werner, thuộc Đại học Saarland, Đức, nói: “Dữ liệu của chúng tôi ủng hộ các khuyến nghị hiện tại của Hiệp hội Tim mạch châu Âu rằng tập kháng lực nên là bài tập bổ sung, chứ không thay thế, cho tập sức bền”.

"Dữ liệu xác định hoạt động telomerase và chiều dài telomere là những cách nhạy cảm để đo lường ở cấp độ tế bào ảnh hưởng của các loại hình tập thể dục khác nhau. Sử dụng các thông số này để định hướng các khuyến nghị tập luyện cho mọi người có thể cải thiện sự tuân thủ và hiệu quả của các chương trình tập thể dục trong phòng ngừa bệnh tim mạch".

Về lý do tại sao các kiểu tập này lại có lợi cho sức khỏe tế bào, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể ảnh hưởng đến nồng độ nitric oxid - một gốc tự do trong máu, ảnh hưởng đến chức năng mạch máu và tuần hoàn máu, do đó tác động đến quá trình lão hóa ở mức tế bào.

"Nhìn từ quan điểm tiến hóa, tập sức bền và tập cường độ cao có thể mô phỏng tốt hơn hành vi di chuyển và “chiến đấu hay bỏ chạy” tiến bộ của tổ tiên chúng ta hơn là tập sức mạnh", TS. Werner nói.

Cẩm Tú

Theo MNT