Táo tợn tẩu tán hơn 18 tấn mỡ, da thối
Hành vi tẩu tán hàng đang bị tạm giữ là rất táo tợn, cần phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.
“Vụ 18,4 tấn mỡ bò, tóp mỡ heo và tóp da heo thối đã được niêm phong nhưng bị tẩu tán, UBND xã Bà Điểm đã báo lên UBND huyện Hóc Môn, đồng thời đề nghị công an phối hợp cơ quan chức năng làm rõ vụ việc và xử phạt các cá nhân sai phạm đúng quy định pháp luật”, ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cho biết sáng 26/10.
Gần 22 tấn mỡ thối trong bãi xe
Trước đó, chiều 21/10, UBND xã Bà Điểm phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn kiểm tra kho hàng A1 nằm trong bãi xe Nguyễn Ngọc (60/3 ấp Tiền Lân 1, xã Bà Điểm). Đoàn kiểm tra bất ngờ phát hiện nơi đây chứa 180 bao mỡ bò (7,2 tấn), 300 bao tóp mỡ heo (12 tấn) và 79 bao tóp da heo (2,5 tấn). Toàn bộ lô hàng tổng cộng 21,7 tấn này được để trên nền sàn dơ bẩn, bốc mùi hôi thối, bao bì không đảm bảo vệ sinh. Đại diện lô hàng nói trên là ông Phạm Đình Luân, ngụ huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, ông Luân không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến lô hàng như chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh, chứng nhận kiểm dịch, hóa đơn hàng hóa… Ông Luân cho biết số mỡ bò, tóp mỡ heo, tóp da heo trên được thu gom từ nhiều nguồn trôi nổi trên thị trường để xuất bán sang Trung Quốc. Chủ lô hàng là ông Phạm Thành Trung, ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (TP.HCM). Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ông Trung đã đi Hà Nội.
Theo thông tin cung cấp cho cơ quan chức năng của nhân viên quản lý kho bãi xe Nguyễn Ngọc, ông Trung thuê kho A1 để chứa hàng hóa và người trực tiếp quản lý, trông coi kho hàng là ông Luân.
Cam kết tự nguyện tiêu hủy, nhưng...
Để đảm bảo việc xử lý toàn bộ lô hàng theo đúng quy định pháp luật, UBND xã Bà Điểm đã ra quyết định niêm phong, tạm giữ lô hàng trong vòng 30 ngày và bàn giao cho Trạm Thú y huyện Hóc Môn xử lý theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu đại diện bãi xe Nguyễn Ngọc và ông Luân có trách nhiệm thông báo ông Trung liên hệ Trạm Thú y huyện Hóc Môn để giải quyết vụ việc.
Ngày 23/10, làm việc với Trạm Thú y huyện Hóc Môn, ông Trung cho biết 21,7 tấn mỡ bò, tóp mỡ heo, tóp da heo nói trên được thu mua từ nhiều người dân ở các tỉnh với giá mỗi ký khoảng 3.000 đồng và “tập kết” tại kho A1 nằm trong bãi xe Nguyễn Ngọc.
Ông Trung cũng thừa nhận toàn bộ lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, bảo quản trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Tại buổi làm việc, ông Trung đã làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy 21,7 tấn hàng biến chất này. Ông Trung cũng cam kết thực hiện việc tiêu hủy theo đúng pháp luật và không khiếu nại. Trạm Thú y huyện Hóc Môn đề nghị ông Trung cung cấp cho trạm hợp đồng tiêu hủy lô hàng và thông báo thời gian tiêu hủy để cử cán bộ đến giám sát.
Tháo cửa nhà kho, tẩu tán mỡ thối
Chiều 24/10 (thứ Bảy), đoàn kiểm tra trở lại kho A1 thì phát hiện một số bất thường như cửa tôn nhà kho có dấu hiệu bị tháo gỡ, móp méo, nhiều ốc vít vương vãi dưới đất và mỡ bò chảy lênh láng ra ngoài… trong khi niêm phong cửa nhà kho vẫn còn nguyên.
Đoàn kiểm tra quyết định mở cửa và phát hiện kho hàng hầu như trống trơn, kiểm đếm thì chỉ còn lại 83 bao mỡ bò (khoảng 3,3 tấn). Quan sát kỹ, đoàn kiểm tra nhận thấy cửa tôn nhà kho bị móp méo, ốc vít bị tháo ra. Đoàn kiểm tra nhận định đã có người tháo cửa tôn vào bên trong nhà kho rồi tuồn 18,4 tấn mỡ bò, tóp mỡ heo, tóp da heo ra ngoài để tẩu tán.
Ngày 26/10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, cho biết hành vi tẩu tán số hàng tạm giữ là rất táo tợn. UBND xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Hóc Môn. Bên cạnh đó, UBND xã cũng yêu cầu công an xã mời hai ông Phạm Đình Luân và Phạm Thành Trung đến để làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Phạt đến 50 triệu đồng
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 119/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y: Phạt tiền từ 80% đến 90% giá trị sản phẩm nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm động vật (mỡ, da...) không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y.
Đồng thời, biện pháp khắc phục là buộc chuyển đổi mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, sản phẩm trên cũng phải được kiểm dịch để tránh lây lan dịch bệnh và chủ lô hàng phải chịu tiền kiểm dịch. Thế nhưng chủ lô hàng biết chắc kiểm dịch sẽ không đạt nên đồng ý tiêu hủy với sự giám sát của cơ quan chức năng. Trong trường hợp không có người nhận (hàng vô chủ) thì cơ quan chức năng mới thực hiện tiêu hủy.
Mỡ bò, tóp mỡ heo, tóp da heo hư hỏng, hôi thối không được dùng làm thực phẩm cho người. Nếu sử dụng dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể.
BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP,
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM