Tạo “bom” phá hủy, chống tái phát ung thư

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu y học Israel cho biết họ vừa phát triển 1 kỹ thuật mới cho phép phá hủy các khối u ác tính từ trong ra ngoài, làm giảm nguy cơ tái phát bệnh sau này.

Tạo “bom” phá hủy, chống tái phát ung thư - 1

Một bác sĩ nhìn qua quét hình ảnh một bệnh nhân ung thư tại một bệnh viện trong năm 2010

 

GS Yona Keisari và Itzhak Kelson, ĐH Tel Aviv (Israel) đã bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng cấy ghép 1 khối nhỏ bằng đầu kim chứa các hạt phóng xạ alpha vào bên trong khối u ác tính.

 

Điều này có nghĩa, nếu cách xạ trị thông thường là bắn chùm tia gamma từ bên ngoài thì các hạt alpha sẽ “khuếch tán bên trong khối u, lan rộng hơn nữa trước khi tan rã”, đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết, “Nó giống như 1 quả bom nhưng thay vì nổ 1 lần, các nguyên tử sẽ liên tục phát tán và các hạt alpha sẽ ngày càng lan rộng”. Các nhà nghiên cứu cho biết quá trình này mất khoảng 10 ngày và sẽ chỉ còn lại các chất phi phóng xạ và hoàn toàn không gây ngộ độc chì cho người bệnh.

 

“Không chỉ là các tế bào ung thư bị phá hủy mà trong phần lớn các trường hợp, cơ thể sẽ tự gia tăng sức mạnh miễn dịch để chống lại sự tái phát của khối u với tỉ lệ thành công lên tới 50%”, báo cáo chỉ rõ.

 

Các thử nghiệm trên chuột đã cho thấy kết quả tuyệt vời của phương pháp này đối với nhiều loại ung thư như ung thư phổi, tuyến tụy, ruột kết, ung thư vú, u não. Theo đó, các thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ sớm được thực hiện tại bệnh viện Beilinson, gần ĐH Tel Aviv.

 

Thu Phương

Theo AFP