Tăng thủy sản "ngậm" phụ gia, chất bảo quản, kháng sinh cấm

(Dân trí) - Trong khi chất tạo nạc salbutamol trong thịt giảm, thậm chí không phát hiện ra thì tỉ lệ vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong hải sản lại tăng so với năm 2015.

Trong 4 tháng gần đây (từ tháng 7-10/2016), Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Đây là kết quả tích cực sau hơn 1 năm các lực lượng chức năng của Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn, xử lý triệt để hành vi đưa chất cấm Salbutamol vào chăn nuôi.

Trong 4 tháng gần đây (từ tháng 7-10/2016), Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.
Trong 4 tháng gần đây (từ tháng 7-10/2016), Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.

Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 11 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm Salbutamol là 1,27%, giảm so với năm 2015 (2,53%), đặc biệt trong 4 tháng gần đây (từ tháng 7-10/2016) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Trong năm 2016, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tổ chức phong trào nói không với chất cấm, trong đó có sự cam kết của người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Có 63/63 tỉnh đã thực hiện với tổng số hơn 500.000 hộ chăn nuôi ký cam kết (kế hoạch ban đầu 100.000 hộ).

Cùng với Salbutamol, tỷ lệ mẫu rau, quả vi phạm chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép là 3,15%, giảm so với năm 2015 (8,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 2,8%, tăng so với năm 2015 (0,89%); tỷ lệ các sản phẩm chế biến chứa tồn dư hóa chất phụ gia, chất bảo quản còn ở mức cao (thủy sản chế biến là 12,84%, thịt chế biến 8,18%, thực vật chế biến là 11,7%).

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của Bộ NN&PTNT cần sự phối hợp, chủ động hơn nữa ở các địa phương trong việc giám sát, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với thực phẩm an toàn. Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tính đến nay cả nước đã có 47 tỉnh xây dựng thành công 414 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn trên toàn quốc, trong đó 129 chuỗi đa được giám sát, cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn.

Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn an toàn. Tại TP. Hà Nội, đã xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm. Tại TP. Hồ Chí Minh, đã cấp 97 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” cho 45 cơ sở với tổng sản lượng 34.699 tấn/năm. Các cơ sở này đã liên kết, hình thành và duy trì 36 chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Đã có 401 điểm kinh doanh đăng ký công bố điểm kinh doanh sản phẩm an toàn.

Để mở rộng Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho các đô thị lớn, Bộ đã ban hành Quyết định thành lập Ban Điều phối và tổ công tác giúp việc Ban điều phối Chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP. Đà Nẵng.

Nguyễn Dương