Tăng nhanh tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử

Tú Anh

(Dân trí) - Năm 2019, có khoảng 2,6% học sinh 15-17 tuổi hút thuốc lá điện tử nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 3,5% và ngày càng trẻ hóa.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá chia sẻ, ông mong muốn các trường học trên cả nước đưa nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá ngay khi năm học mới được bắt đầu.

Tăng nhanh tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử - 1

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử với giới trẻ (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo PGS Khuê, với con số hơn 40 nghìn trường học, 20 triệu học sinh trong năm học 2023-2024, việc ngăn ngừa tác hại của thuốc lá đến lứa tuổi học sinh là vô cùng quan trọng.

"Ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá", PGS Khuê nói.

Theo PGS Khuê, với sự hỗ trợ của Quỹ, sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống thuốc lá trong trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm tuổi 13-15 giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Trong nhóm tuổi 13-17 giảm 50% (từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019.

Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%. 

Theo PGS.TS Khuê, thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.

Chuyên gia cảnh báo, trong thuốc lá điện tử cũng chứa nicotine như thuốc lá truyền thống. Đây là một chất gây nghiện khiến người hút ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá.

Ngoài ra chất Propylene Glycol có trong thuốc lá điện tử cũng thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu, có thể gây kích ứng phổi và mắt, có thể gây hại cho những người bị bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; giãn phế quản.

Còn với Glycerin, đây là một hóa chất không màu, không mùi và có vị hơi ngọt. Đến nay, nhiều hãng sản xuất vẫn không công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi này với lý do đó là "bí mật thương mại".

Các nhà khoa học tìm thấy cả các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân. Họ cũng tìm thấy Diethylene Glycol là một chất độc hóa học độc hại được sử dụng trong chất chống đông.

Khi hút thuốc lá điện tử, tinh dầu nóng lên và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch ở những người hút thuốc… 

Vì thế, PGS Khuê mong muốn tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đến từng học sinh từ mầm non đến đại học, từng giáo viên, nhân viên làm việc trong trường học, để mọi người nhận thức được tác hại của thuốc lá điện tử, góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm