Báo động: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm

Nam Phương

(Dân trí) - Tỷ lệ người hút thuốc mới tại nước ta chưa cao nhưng là con số đáng lo ngại vì tăng nhanh trong giới trẻ. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử vào năm 2020 là 3,6%, tăng 18 lần so với năm 2015.

Chia sẻ tại hội thảo ngày về thực trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam ngày 23/11, ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ người hút thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) là con số vô cùng đáng lo ngại dù chưa phải cao nhưng tăng nhanh. 

Cụ thể, nếu như tỷ lệ hút thuốc lá điện tử vào năm 2015 mới chỉ là 0,2% thì đến điều tra năm 2020 con số này đã tăng lên 3,6% - tăng đến 18 lần. Trong đó, nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 10%). Tương tự, tỷ lệ hút thuốc lá nung nóng chung cho cả hai giới vào năm 2020 là 0,8%. 

ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cũng cho biết, thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay... Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm này.

Báo động: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm - 1

Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử (Ảnh: The Economic Times).

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới

Hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với các sản phẩm thuốc lá mới này. 

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới. Các sản phẩm này đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe, đặc biệt làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái. Quy định cấm phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.

Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tại Australia, nicotine nằm trong danh mục "chất độc dược" và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Chung quan điểm TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết những sản phẩm này không an toàn, không có lợi cho sức khỏe mà thực sự rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh thiếu niên. Các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng đang có xu hướng gia tăng. 

Những sản phẩm này chứa hàm lượng lớn nicotine, một chất gây nghiện mạnh. WHO có các bằng chứng cho thấy tác hại đáng kể mà nicotine có thể gây ra đối với bộ não đang phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Cụ thể, chúng ảnh hưởng đến trí nhớ, mức độ chú ý và khả năng tập trung và học tập của các bạn trẻ. Đồng thời nó cũng sẽ có tác động rất tiêu cực đến tâm trạng của các em.

Chúng cũng có chứa các chất độc hại tương tự như những chất độc có trong thuốc lá thông thường. 

Các sản phẩm này được thiết kế và bày bán trên thị trường với màu sắc, hương vị và bao bì hấp dẫn để thu hút giới trẻ. Điều này nằm ngay trong kịch bản của các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đó là dẫn dụ giới trẻ vào con đường nghiện nicotine và biến họ trở thành khách hàng suốt đời. 

"Nhưng chúng ta không nên mắc bẫy của các tập đoàn này", đại diện WHO nhấn mạnh.

WHO khuyến nghị các quốc gia nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.  Thế giới đã mất nhiều thập kỷ chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả chưa được như mong đợi do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện.

Việt Nam nỗ lực trong 5 năm qua mới giảm được 2,1% tỷ lệ nam giới hút thuốc lá. Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các nỗ lực đạt được sẽ bị phá bỏ.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm