Tăng nguy cơ ung thư vì bỏ sót polyp đại tràng

Hải Minh

(Dân trí) - Theo một thống kê, tỉ lệ bỏ sót polyp đại tràng dao động từ 20-47%. Việc bỏ sót polyp đại tràng sẽ tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Tại Hội nghị khoa học “Một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa” diễn ra ngày 25/10, GS.TS Đào Văn Long – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Nguyên trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa là đột phá trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật đang được Viện triển khai, bước đầu ghi nhận được một số thành công nhất định.

Tăng nguy cơ ung thư vì bỏ sót polyp đại tràng - 1
GS.TS Đào Văn Long

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số khá đông khoảng 90 triệu dân, gánh nặng bệnh tật tương đối lớn đặc biệt là các bệnh lý về tiêu hóa, gan mật. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế còn rất nhiều hạn chế về kỹ thuật cũng như đội ngũ y tế. Theo ước tính, số lượng bác sĩ nội soi tiêu hóa chỉ đáp ứng được nhu cầu của 5-10% dân số.

Từ  đó xảy ra thực trạng bỏ sót tổn thương, bỏ sót polyp đại tràng. "Nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ cảnh báo bệnh nhân tái khám định kỳ, thay vì bỏ bẵng 5 - 10 năm, lúc đó một polyp bình thường có thể tiến triển thafnnh nguy cơ ung thư", TS.BS Đào Việt Hằng (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết.

Tăng nguy cơ ung thư vì bỏ sót polyp đại tràng - 2

TS.BS Đào Việt Hằng

TS Hằng thông tin thêm, một nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ bỏ sót polyp đại tràng dao động từ 20-47%. Trong khi đó bệnh lý đại tràng và ung thư đại tràng, việc phát hiện sớm polyp có ý nghĩa rất quan trọng

“Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra cho ngành y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay", GS Long khẳng định.

Công nghệ nổi bật nhất được giới thiệu tại hội thảo đó là “bước đầu xây dựng phần mềm ứng dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam”. Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng thuật toán học máy hiệu quả cho phát hiện, khoanh vùng polyp đại tràng qua hình ảnh nội soi; bước đầu đánh giá độ chính xác của thuật toán phát hiện, khoanh vùng polyp đại tràng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thu thập một bộ dữ liệu hình ảnh từ hệ thống nội soi có độ phân giải cao. Số lượng ảnh này được tiến hành xử lý và đưa vào chạy thuật toán. 

Kết quả bước đầu cho thấy đã huấn luyện thành công thuật toán với độ chính xác và độ nhạy rất cao (lên tới hơn 95%). Bên cạnh đó, nhóm đã tiến hành thử nghiệm trên hình ảnh tĩnh và video nội soi, kết quả cho thấy giá trị dự đoán dương tính lên tới hơn 94.6%, độ nhạy (khả năng của thuật toán để xác định ảnh chứa polyp) là 96,39% và độ đặc hiệu (khả năng của thuật toán để xác định ảnh không chứa polyp) lên tới 99,84%.

Theo TS Đào Việt Hằng cho biết, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định và ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo.