Tàn phế vì ấu trùng sán lợn
Chị Tống Thị Hồng, 38 tuổi (Lục Nam, Bắc Giang) bị đau đầu, lên cơn động kinh, phù mặt, mắt bị lồi, không nhìn thấy gì. Đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán là bị bệnh tim, thận, rối loạn tuần hoàn não. Đến khi chụp cắt lớp, mới phát hiện chị bị ấu trùng sán lợn.
Khi nghe chị nói, một số bác sĩ ở địa phương còn không thể tin là có bệnh sán não. Nhưng lúc ấy, những nang sán khu trú trên não lâu năm đã khiến chị bị dãn não thất. Chị đã bán đi nửa gia sản và 3 sào đất để chữa bệnh nhưng đến nay vẫn chưa nhìn thấy gì và vẫn còn phải tiếp tục điều trị mới có hy vọng khỏi.
BS Đoàn Thị Hạnh Nguyên - Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng & côn trùng (TƯ cho biết, bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn có khi chiếm tới 70 - 80% số bệnh nhân điều trị tại phòng khám của viện. Năm 2005 có 330 lượt bệnh nhân nội trú, năm 2006 có 334 lượt nội trú và 563 lượt ngoại trú. Các tỉnh miền Bắc, hầu như nơi nào cũng có bệnh nhân. Bắc Giang và Bắc Ninh là 2 địa phương nhiều nhất. |
Hàng chục bệnh nhân khác, phần lớn đều ở độ tuổi trên 40, người mắc bệnh mới nhất cũng khoảng 10 năm. Họ ví von mình đều mắc cùng căn bệnh "sán trung ương". Ông Phạm Hồng Đông (57 tuổi, ở xã Hồng Thuận, Giao Thuỷ, Nam Định) cũng phát hiện ra bệnh khi các nang sán đã nằm trong não. Lúc đầu là co quắp không đi được, tiếp sau là mất trí nhớ, tiếp đến là phù nề, co giật, động kinh. Theo lời kể của bệnh nhân, thì nhiều năm trước, những món khoái khẩu của ông Đông là uống rượu với "nem thính".
Người sống giữa thủ đô như bác C. (64 tuổi) khi có biểu hiện đau mắt, nhức răng cũng mới phát hiện ra bệnh. Một thời, nem chua, tiết canh cũng là món bác C. yêu thích. Dù thời gian điều trị kéo dài, tốn kém, nhưng họ đều lạc quan vì quá trình chữa bệnh tiến triển tốt do đã có thuốc và phác đồ điều trị chặt chẽ.
Theo Quang Duy
Lao động