Tái xuất "ảo thuật gia" bán thuốc gia truyền

Hình ảnh “ảo thuật gia” rao bán thuốc Đông y gia truyền chữa bá bệnh nơi công cộng lâu nay vắng bóng bỗng nhiên tái xuất ở TP.HCM.

Vài hôm gần đây, cứ độ 17 giờ có một nhóm năm người đàn ông vừa biểu diễn ảo thuật, vừa bán thuốc Đông y gia truyền ở khu đất trống trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM).

Một loại thuốc trị… 10 bệnh

Một người dong dỏng cao, tóc dài, ăn mặc lịch sự liên tục làm ảo thuật như biến giấy thành tiền, hóa khăn thành rắn… để thu hút người qua lại.

Khi có hơn trăm người hiếu kỳ tụ tập, ông bắt đầu giới thiệu một loại thuốc gia truyền có tên “Trật đả tê thấp hoàn”. “Người tạo ra loại thuốc này là bác ruột của tôi, một võ sư đất Sài Gòn năm xưa. Bác tôi đã qua đời và giờ tôi là người tiếp tục lưu truyền loại thuốc này” - ông quảng bá.

“Người nào tiểu một đêm năm lần, nước tiểu đục như nước cơm uống thuốc này vài lần sẽ hết. Người nào di tinh, mộng tinh dùng thuốc cũng hết. Cầu thủ đá sân cỏ 45 phút không mệt, mình đá “sân nhà” chỉ chừng năm phút là oải, uống thuốc này sẽ hết oải, hết mệt. Chưa đâu, thuốc này còn trị các bệnh đau khớp, nhức mỏi, kém ăn, phụ nữ kinh nguyệt không đều…” - ông ta nói liên tục.

Quảng cáo thuốc một hồi, ông tiếp tục làm ảo thuật rồi mời mọi người mua thuốc. “Mỗi hộp 55.000 đồng, ai mua ba hộp chỉ mất 100.000 đồng” - ông rao lớn.

Sau đó, ba người đàn ông trong nhóm cầm những hộp thuốc “Trật đả tê thấp hoàn” mời chào đám đông. Có người lắc đầu nhưng cũng có người móc tiền ra mua. Trên vỏ hộp thuốc in dòng chữ chữa được 10 loại bệnh, thành phần bao gồm đỗ trọng, kim anh, cam thảo, cốt toái bổ, đăng sâm… Trên hộp không có tên nơi sản xuất mà chỉ in dòng địa chỉ 12B An Lạc, quận Bình Tân.

Tái xuất ảo thuật gia bán thuốc gia truyền - 1

Coi chừng rước họa vào thân

Theo dòng địa chỉ trên hộp, phóng viên đi tìm cơ sở sản xuất thuốc nhưng không thể thấy bởi An Lạc là tên một phường thuộc quận Bình Tân, không phải tên đường.

“Thuốc đưa ra thị trường phải in rõ tên cơ sở, địa chỉ sản xuất và số đăng ký. Tuy nhiên, hộp thuốc “Trật đả tê thấp hoàn” nói trên thiếu những thông tin cần thiết nên không thể khẳng định thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành” - TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết.

Theo bà Lan, khi một loại thuốc gọi là thuốc gia truyền thì nó chỉ được phép bán tại phòng khám y học cổ truyền cho một nhóm đối tượng nhất định, không được bán đại trà. “Do vậy, thuốc rao bán nơi công cộng cho nhiều đối tượng là sai quy định” - bà Lan nói.

Bà Lan cho biết thêm: Những vị thuốc ghi trên hộp đúng là chữa được các bệnh đau lưng, nhức mỏi, phong thấp, thận suy, tiểu đêm… “Tuy nhiên, Đông y chia bệnh lý ra nhiều thể (thể hàn, thể nhiệt), tùy vào bệnh lý của từng người mà sử dụng bài thuốc khác nhau, gia giảm vị thuốc khác nhau. Ngoài uống thuốc còn phải kèm theo chế độ ăn uống và tập luyện thì bệnh mới hết. Do vậy, khi có bệnh thì tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa” - bà Lan lưu ý.

Cũng theo bà Lan, do thuốc trên không có nguồn gốc rõ ràng nên không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, những loại thuốc dạng này rất dễ có nguy cơ bị trộn thêm corticoid - một loại kháng viêm, uống vào có tác dụng giảm đau nhức rất nhanh.

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết người sử dụng corticoid thời gian dài sẽ bị béo phì, mặt tròn nhưng thật ra đang bị teo cơ (biểu hiện trong hội chứng Cushing). Nguy hiểm hơn là có nguy cơ teo tuyến thượng thận.

 

• Nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành trên thị trường phải thể hiện các nội dung sau đây: Tên thuốc, nguyên liệu làm thuốc; dạng bào chế, trừ nguyên liệu làm thuốc; thành phần, hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng dược chất, dược liệu của thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quy cách đóng gói.

Bên cạnh đó phải ghi tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; tên, địa chỉ của cơ sở nhập khẩu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu; số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, số lô sản xuất, ngày sản xuất; hạn dùng của thuốc, nguyên liệu làm thuốc; điều kiện bảo quản và thông tin cần thiết khác theo quy định.

• Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được chế biến, bào chế, cân (bốc) thuốc cổ truyền theo bài thuốc, đơn thuốc để sử dụng và bán lẻ theo đơn tại chính cơ sở đó.

(Trích Điều 61 và Điều 70 Luật Dược năm 2016)

 

Theo Trần Ngọc

PLTPHCM