Tái tạo niệu đạo giúp bệnh nhân thoát cảnh mang “toilet di động”
(Dân trí) - Tai nạn giao thông khiến nam bệnh nhân 37 tuổi bị đa chấn thương, đứt niệu đạo. Sau 17 lần can thiệp không mang lại kết quả, bệnh nhân vượt đường xa từ Hưng Yên vào TPHCM được các bác sĩ tái tạo niệu đạo thành công.
Nam bệnh nhân là anh N.T.K. (37 tuổi, ngụ tại tỉnh Hưng Yên) vào TPHCM với hi vọng vượt qua được nỗi ám ảnh của chiếc túi chứa nước tiểu phải mang bên cơ thể. Thông tin từ người bệnh được biết, hơn 1 năm trước, khi đang tham gia giao thông anh không may bị tai nạn gãy chân trái, đứt cơ khép đùi, mất da vùng chân, rạn xương chậu và đứt niệu đạo.
Thương tích trên cơ thể sau thời gian điều trị đã bình phục, tuy nhiên hậu quả của tai nạn khiến anh đối mặt với nhiều phiền toái do di chứng hẹp niệu đạo. Cùng với những cơn đau nhức vùng khung chậu luôn hành hạ bệnh nhân bị bí tiểu. Bác sĩ phải đặt ống dẫn nước tiểu ra một chiếc túi nhựa, hơn 1 năm qua anh K. phải mang “toilet di động” chứa nước tiểu bên người.
Không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt thường ngày, bịch chứa nước tiểu còn khiến bệnh nhân mặc cảm, tự ti. Không muốn lệ thuộc vĩnh viễn vào chiếc túi chứa nước tiểu, bệnh nhân đã 16 lần thực hiện thủ thuật nong niệu đạo và 1 lần nội soi xẻ lạnh, chi phí tốn kém nhưng tất cả các can thiệp trên đều thất bại.
Đứng trước ca bệnh khó, các bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM đã hội chẩn với GS Joe Gelman một chuyên gia về phẫu thuật niệu đạo của Mỹ. Các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật tái tạo niệu đạo cho người bệnh bằng phương pháp vi phẫu.
ThS.BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị Niệu đạo cho hay, dưới sự hỗ trợ của máy nội soi mềm với kích thước nhỏ di chuyển vào niệu đạo, uốn qua các góc cong tự nhiên của đường tiểu dưới đã giúp phẫu thuật xác định được đường đi, đánh giá độ di lệch của niệu đạo sau khi bị đứt. Ê kíp tiến hành cắt lọc mô xơ, khâu nối tận-tận hiệu quả 2 đoạn đứt của niệu đạo. Sau khi rút bỏ hoàn toàn các ống thông, anh K. đã tiểu tiện dễ dàng qua niệu đạo mới được tạo hình.
Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo thường là hậu quả của tai nạn giao thông, tai nạn lao động và tai nạn sinh hoạt. Việc tái thông hoặc tạo hình niệu đạo là kỹ thuật khó, trên cả nước hiện mới chỉ có Bệnh viện Bình Dân thực hiện được kỹ thuật chuyện sâu trên khoảng 3 năm qua sau khi được các chuyên gia của Mỹ hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cắt nối niệu đạo, tạo hình niệu đạo bằng mảnh ghép tự thân…
Từ ca bệnh trên, bác sĩ khuyến cáo việc đến khám và điều trị sớm các tổn thương niệu đạo sẽ tăng cơ hội tạo hình thành công, giảm tối đa chi phí cũng như những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe, tâm lý cho người bệnh. Bệnh nhân tổn thương niệu đạo nếu chậm trễ điều trị hoặc bị chỉ định sai, can thiệp niệu đạo nhiều lần thất bại khiến các mô xơ hình thành sẽ, gây khó khăn làm giảm tỉ lệ thành công khi tạo hình niệu đạo.
Vân Sơn