1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tại sao vòng tránh thai lạc chỗ?

Vòng tránh thai nằm ở ổ bụng, bàng quang, đó là biến chứng gặp ở một số chị em sau một thời gian đặt vòng. Nhiều người cho rằng đây là hậu quả của sự tắc trách của các cán bộ y tế trong khâu thực hiện... nhưng thực tế thì không phải vậy.

Vòng tránh thai "ngao du" vào ổ bụng  

 

Chuyện xảy ra từ nhiều năm, nhưng chị K. (Lào Cai) vẫn còn nhớ rõ. Hồi đó, ở chị xuất hiện triệu chứng đau bụng, mới đầu nhẹ, sau trở nên dữ dội.

 

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân của cơn đau là do vòng tránh thai bám vào tử cung gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, sau ca mổ được tiến hành lâu hơn dự kiến, bác sĩ đã phát hiện chiếc vòng tránh thai giờ không còn nằm ở vị trí cần thiết của nó, mà lại ở bàng quang. Nhiều người biết chuyện của chị đã phán rằng đó là do bác sĩ tắc trách và đã đặt nhầm vị trí khi tiến hành các thủ thuật đặt vòng.

 

Trung tâm Y tế quận 2, TP. HCM cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân tương tự. Đó là chị L.T.Đ, bị đau bụng kéo dài do vòng tránh thai không còn nằm ở vị trí vốn có của nó mà chui ngược lên ổ bụng.

 

BS Phó Đức Nhuận, người đã nhiều năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, trong thực tế, việc chiếc vòng trong tử cung di chuyển vào ổ bụng hay bàng quang là một biến chứng hiếm gặp.

 

Biến chứng này thường xảy ra sau một thời gian khá dài khi người phụ nữ tiến hành đặt vòng. Người ta cho rằng, có những tử cung sau khi tiếp nhận vòng thì tăng cường co bóp, khiến nhiều trường hợp vòng đã đặt ở trong tử cung nhưng lại tuột qua lỗ cổ tử cung. Thế nên mới có chuyện không ít người thấy vòng rơi hẳn ra ngoài sau khi đặt.

 

Có trường hợp, tác dụng co bóp của tử cung không khiến vòng tuột hẳn ra mà đẩy nó lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung. Quá trình này diễn ra từ từ và không gây triệu chứng khó chịu gì cho người phụ nữ nên thường không được phát hiện kịp thời. Cho đến một ngày, chiếc vòng xuyên qua lớp cơ và dần chui vào trong ổ bụng, nằm ở một bên hố chậu phải, thậm chí di chuyển xa hơn do bị nhu động ruột kéo đi.

 

Về những nghi ngờ về sự tắc trách của bác sĩ đã đặt nhầm vòng vào bàng quang, BS Nhuận khẳng định, không thể có sự nhầm lẫn đó. Mặc dù nằm sát kề nhau, nhưng bàng quang nằm ngay phía trước của nửa dưới tử cung. Nếu muốn đặt vòng vào bàng quang, bác sĩ phải đưa dụng cụ đặt qua lỗ tiểu và ống niệu đạo vốn rất nhỏ so với âm đạo của người phụ nữ.

 

Như vậy, chuyện vòng tránh thai được tìm thấy ở bàng quang là sự tự di chuyển theo cách đã chui vào ổ bụng. Các co bóp của cơ tử cung làm cho vòng chui dần ra vị trí hai vách tử cung và bàng quang giáp nhau và vòng có thể chui dần vào bàng quang cũng như khi nó chui vào ổ bụng.

 

Cách xử trí vòng tránh thai lạc chỗ tùy mức độ. Nếu vòng đã hoàn toàn nằm trong bàng quang thì có thể dùng dụng cụ soi bàng quang để gắp ra. Nếu vòng chưa chui hẳn vào thì nên phẫu thuật (mở bụng thông thường hoặc mổ nội soi).

 

Không thể phủ nhận tác dụng của vòng tránh thai

 

Các bác sĩ chuyên khoa đều khẳng định, vòng tránh thai lạc chỗ là tai biến hiếm gặp. Người phụ nữ không nên vì nghe kể về một vài trường hợp hiếm gặp đó mà từ chối một biện pháp tránh thai có hiệu quả cao, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

 

Nước ta hiện lưu hành 2 loại dụng cụ tử cung là TCU 380 A và Multiloat 375. Đây đều là loại dụng cụ hở, có dây vòng để cán bộ y tế có thể kiểm tra hoặc chị em tự theo dõi. Tùy theo thời gian sử dụng khác nhau, có thể sử dụng vòng có tác dụng ít năm hoặc nhiều năm.

 

Dụng cụ tử cung là một biện pháp tránh thai tạm thời, nhưng có tác dụng tránh thai nhiều năm (vòng Multiload 5 năm, vòng TCU là 10 năm). Khoa học đã chứng minh rằng, hiệu quả tránh thai của biện pháp đặt vòng rất cao (99%), lại thuận tiện cho người sử dụng.

 

Dụng cụ có thể được tháo ra dễ dàng và khả năng sinh đẻ của người phụ nữ sẽ phục hồi ngay sau đó. Tuy nhiên, biện pháp này có một số điểm không thuận lợi là: Người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để đặt và tháo vòng; cán bộ y tế phải được huấn luyện đầy đủ về chỉ định, chống chỉ định, về kỹ thuật và cách theo dõi, chăm sóc và xử trí khi có bất thường; không có tác dụng phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục.

 

Có những trường hợp chống chỉ định đặt dụng cụ tử cung như rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, rong huyết), viêm nhiễm đường sinh dục chưa được chữa khỏi, phụ nữ chưa sinh đẻ lần nào...

 

Phụ nữ đặt vòng cần tái khám định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần để kiểm tra tình trạng vòng. Hầu hết các chị em dùng vòng tránh thai đều không có biến chứng gì ngoài tình trạng ra máu kinh dài ngày hơn trong vòng ba tháng đầu. Một số nhỏ bị biến chứng nhiễm khuẩn thì phải tháo vòng để dùng biện pháp khác.

 

Đối với trường hợp rối loạn kinh nguyệt kéo dài, có thể phải lấy vòng và sử dụng biện pháp tránh thai khác. Trong trường hợp viêm vùng chậu, cần dùng kháng sinh điều trị viêm vùng chậu và có thể phải kết hợp lấy vòng ra.

 

Trường hợp đang đặt vòng mà có thai thì nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non rất cao, kèm với nguy cơ nhiễm trùng. Đây là các tai biến, biến chứng đã được khoa học nhắc đến từ lâu, nhưng hiếm xảy ra.

 

Nhiều chị em có tâm lý ngại đi tháo vòng khi vòng hết hạn không còn tác dụng, nhất là khi thấy sức khỏe vẫn bình thường. Tuy nhiên, BS Nhuận khuyên rằng, cần phải tháo vòng để hạn chế việc có thai ngoài ý muốn do vòng đã giảm tác dụng tránh thai. Ngay cả khi vòng vẫn còn tác dụng, người phụ nữ đã mãn kinh cũng nên tháo vòng vì không nên để một “vật lạ” trong cơ thể cả đời.

 

Mặt khác sau khi mãn kinh, kích thước của các bộ phận sinh dục nữ dần dẫn sẽ thu nhỏ lại vì bị teo đi trong khi kích thước của vòng không đổi. Điều này có thể dẫn đến đau bụng, ra máu hoặc vòng có thể bị di chuyển lạc chỗ...

 

Theo Việt Phương

Phụ nữ