Tại sao trẻ thấp còi?

Tình trạng thấp còi ở trẻ có liên quan tới suy dinh dưỡng bào thai, biểu hiện là chiều dài cơ thể khi ra đời kém những trẻ bình thường. Một điều tra năm 2003 cho thấy, ở Việt Nam, cứ ba đứa trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi.

Thấp còi là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời. Nó liên quan tới dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai. Tốc độ phát triển chiều dài của thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, còn cân nặng đạt cao nhất vào tuần thứ 32-34. Điều này có nghĩa là mọi can thiệp nhằm cải thiện “chiều dài” của bào thai phải thực hiện càng sớm càng tốt. Người mẹ trước khi mang thai nếu ăn uống không tốt, dinh dưỡng kém sẽ dễ sinh con bị thấp còi.

 

Trong nửa thế kỷ trước những năm 1990, chiều cao của người Việt Nam hầu như không thay đổi. Tình trạng này kéo dài qua nhiều thế hệ, người mẹ thấp bé nhẹ cân dễ sinh con bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Những trẻ đó trong tương lai cũng khó đuổi kịp các bạn cùng trang lứa cả về thể lực và trí lực. Những trẻ bị thấp còi vào những năm đầu đời thường có nguy cơ bị béo phì cao hơn khi trưởng thành.

 

Điều tra của Viện dinh dưỡng cho biết hiện cả nước có trên 3 triệu trẻ bị thấp còi. Tình trạng này gây nhiều thiệt hại về kinh tế, kìm hãm phát triển bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, ảnh hưởng tới giống nòi. Ngân hàng thế giới ước tính, suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam làm giảm 5% GDP.

 

Để con sinh ra được "dài rộng", ngay từ những tuần đầu mang thai, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, canxi và đặc biệt là iốt. Thiếu iốt, bào thai sẽ không phát triển được. Các chất quan trọng khác là sắt, vitamin A, folat...

 

Trong 2 năm đầu tiên, nuôi dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với trẻ. Trẻ bị thấp còi thường do khẩu phần ăn bổ sung thiếu protid (giúp xây dựng các tế bào, tạo hình), lipid (giúp phát triển xương dài và hấp thu các vi chất dinh dưỡng) hoặc di còi xương sớm (thiếu vitamin D, canxi). Những trẻ không được bú mẹ hoàn toàn những tháng đầu, ăn bổ sung sớm, thức ăn bổ sung nghèo protid, lipid cũng dễ thấp còi.

 

Theo Sức khỏe Đời sống