1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tại sao thành phố Quảng Ngãi lại không có bệnh viện để phục vụ người dân?

(Dân trí) - Sáng ngày 2/1, hàng trăm người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi tỏ ra bất ngờ và đã có phản ứng quyết liệt khi biết bệnh viện này đã sáp nhập vào bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Như Dân trí đã thông tin, kể từ ngày 1/1/2019, bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi và bệnh viện Đa khoa Dung Quất được sáp nhập vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, TP. Quảng Ngãi (đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ngãi) không còn bệnh viện, điều này dẫn đến nhiều thay đổi trong việc khám, chữa bệnh ban đầu của người dân.

Theo đó, hơn 130.000 người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi sẽ được chuyển về trạm Y tế xã, phường hoặc bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa và 2 phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.

Sáng 2/1, hàng trăm người dân đến bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi khám bệnh như thường lệ tỏ ra bất ngờ và phản ứng quyết liệt khi biết bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi đã được sáp nhập.

Tại sao thành phố Quảng Ngãi lại không có bệnh viện để phục vụ người dân?  - Ảnh 1.

Sáng 2/1, hàng trăm người dân TP. Quảng Ngãi phản ứng quyết liệt khi biết tin bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi bị "xóa sổ".

Bà Nguyễn Thị Thoa (xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) tỏ ra lo lắng khi biết thông tin phải thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

"Tôi già cả rồi mà giờ phải thay đổi nơi khám chữa bệnh rất bất tiện. Nếu phải nhập viện điều trị thì phải qua bệnh viện huyện khác hay sao. Tại sao thành phố Quảng Ngãi lại không có bệnh viện để phục vụ người dân", bà Thoa bày tỏ.

Hàng trăm người dân không đồng tình với việc sáp nhập bệnh viện đã phản ứng quyết liệt khiến hoạt động tại trụ sở của bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi đình trệ.

Tại sao thành phố Quảng Ngãi lại không có bệnh viện để phục vụ người dân?  - Ảnh 2.

Hoạt động khám chữa bệnh tạm thời bị đình trệ

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Báy - PGĐ sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết, trong quá trình hoàn thiện việc sáp nhập, Sở vẫn chỉ đạo tổ chức việc khám bệnh cho người dân TP. Quảng Ngãi tại trụ sở bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi. Sau khi hoàn thiện việc sáp nhập mới chuyển nơi khám, chữa bệnh ban đầu.

Theo ông Báy, đề án này được thực hiện khá thuận lợi, tuy nhiên đến gần đây cán bộ, nhân viên bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi lại phản đối. Và theo ông Báy, tình trạng người dân phản ứng quyết liệt trong sáng 2/1 là do cán bộ, nhân viên bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi không mở cửa một số phòng khám.

"Nhân viên không mở cửa phòng khám khiến người dân không khám bệnh được nên người ta phản ứng", ông Báy nói.

Tại sao thành phố Quảng Ngãi lại không có bệnh viện để phục vụ người dân?  - Ảnh 3.

Người dân tỏ ra lo lắng khi phải chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sang bệnh viện huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa.

Trả lời câu hỏi, vì sao một đề án quan trọng lại không lấy ý kiến cán bộ, nhân viên bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi trước khi thực hiện? Ông Báy cho biết, đề án này được triển khai từ năm 2016, trong khi ông mới được điều động về Sở Y tế nên không rõ!

Cũng theo ông Báy, trước diễn biến khá bất ngờ xảy ra trong sáng 2/1, sở Y tế đã có báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để có hướng giải quyết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm