Tại sao không nên đi ngủ khi đang tức giận?

(Dân trí) - Lời khuyên có từ xưa "không bao giờ đi ngủ khi đang tức giận" đang nhận được sự ủng hộ từ nghiên cứu mới này. Bởi giấc ngủ có thể khiến bạn khó quên đi những ý nghĩ tồi tệ.

Nam giới khó ngăn chặn ký ức tiêu cực sau khi ngủ hơn là trước khi ngủ.
Nam giới khó ngăn chặn ký ức tiêu cực sau khi ngủ hơn là trước khi ngủ.

Bình thường, giấc ngủ sẽ giúp chúng ta xử lý thông tin của một ngày và lưu trữ nó trong ký ức. Phát hiện mới gợi ý rằng quá trình củng cố trí nhớ trong khi ngủ cũng khiến cho việc "quên" những ký ức tiêu cực trở nên khó khăn hơn.

Kết quả này gợi ý rằng chúng ta nên cố gắng giải quyết mọi bất đồng trước khi đi ngủ và không ngủ cùng sự tức giận.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học College London đã đề nghị 73 nam giới Anh xem 26 bức ảnh chân dung trung tính (không tạo cảm xúc tích cực hay tiêu cực) và mỗi bức ảnh trung tính này được ghép đôi với một hình ảnh khó chịu, chẳng hạn như ảnh xác chết, trẻ em khóc và người bị thương.

Ngay sau khi các đối tượng có sự liên hệ từng khuôn mặt với hình ảnh khó chịu đi kèm, các nhà nghiên cứu cho họ xem lại một số bức ảnh chân dung và yêu cầu họ cố gắng quên đi những khó chịu do hình ảnh ghép đôi tạo ra. Kết quả là ít hơn 9% người tham gia không nhớ lại sự liên hệ tiêu cực trước đó, cho thấy việc kiểm soát trí nhớ có tác dụng.

Sau 1 đêm ngủ dậy, cũng yêu cầu tương tự thì chỉ có ít hơn 3% không nhớ về những liên hệ tiêu cực trước đó.

Những kết quả này gợi ý rằng giấc ngủ có thể khiến con người ta khó quên đi những điều họ không muốn nhớ.

Các nhà nghiên cứu cũng chụp não của các đối tượng và so sánh hoạt động não khi họ cố gắng quên đi những tiêu cực trước và sau khi ngủ.

Kết quả cho thấy có sự khác biệt: Khi các đối tượng được yêu cầu quên đi ký ức về những hình ảnh tiêu cực trước khi ngủ thì hồi hải mã - trung tâm trí nhớ của não - hoạt động mạnh nhất. Nhưng sau 1 giấc ngủ đêm, các khu vực khác của não bộ cũng tham gia vào việc này. Điều này cho thấy ký ức được phân phối trên khắp vỏ não.

Phát hiện mới nhất này có thể đưa đến hiểu biết tốt hơn về các tình trạng bệnh như stress sau chấn thương, trong đó người bệnh không thể "thoát" khỏi những ký ức đau thương.

Một hạn chế của nghiên cứu là nó chỉ thực hiện ở nam giới. Theo các nhà nghiên cứu thì các cơ chế ngăn chặn ký ức trước và sau khi ngủ cũng tương tự ở phụ nữ, nhưng sẽ cần nghiên cứu thêm để xác nhận điều này.

Cẩm Tú

Theo Huffingtonpost