Tại sao hạn chế truyền máu trực tiếp từ người hiến tặng?
(Dân trí) - Trước câu hỏi “Tại sao người bệnh phải mua máu dù máu đó của người nhà hay tình nguyện viên?”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc TT Truyền máu và Huyết học ĐBSCL tại Cần Thơ và Giám đốc bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ về vấn đề này.
Xin bác sĩ cho biết chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Huyết học và truyền máu của Cần Thơ là gì?
BS Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu và huyết học ĐBSCL tại Cần Thơ: Trung tâm Huyết học và Truyền máu Cần Thơ được thành lập năm 2005, kinh phí xây dựng 180 tỷ, có nhiệm vụ cung cấp máu và các sản phẩm máu an toàn cho bệnh viện 6 tỉnh trong khu vực ĐBSCL là An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Mỗi ngày, TT thu vào khoảng 100 đơn vị máu ban đầu. Thông thường chỉ khoảng 80% số đơn vị máu thu vào đạt tiểu chuẩn máu an toàn sử dụng cho người bệnh, 20% bị thải loại. Quy trình xử lý quyết định giá thành của một đơn vị máu.
Vậy giá thành một đơn vị máu là bao nhiêu?
BS Nguyễn Ngọc Huỳnh: Để có một đơn vị máu sạch phải trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật, yêu cầu phải có phương tiện hiện đại, đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên có tay nghề cao. Chi phí cho một đơn vị máu đầu tiên (hiến nhân đạo) là 160.000đ. Sau khi qua các công đoạn phân tích xét nghiệm, sàng lọc, đóng gói…, giá thành một đơn vị máu an toàn là 415.000đ. Giá này tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Vậy các bệnh viện muốn có máu cho bệnh nhân thì đều phải mua của Trung tâm?
BS Nguyễn Ngọc Huỳnh: Vâng, đúng vậy.
Nhưng có những người nhà bệnh nhân đủ điều kiện truyền máu trực tiếp tại sao vẫn phải mua máu, thưa bác sĩ?
Các bác sĩ tại TT Truyền máu và Huyết học ĐBSCL tại Cần Thơ đang tiến hành phân loại, sàng lọc máu hiến tặng
BS Nguyễn Ngọc Huỳnh: Trong thực tế, một số trường hợp cấp cứu nặng do mất máu nhiều, sẽ khuyến khích người thân cho máu trực tiếp và vẫn phải trải qua các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên đây là những trường hợp cá biệt bởi các xét nghiệm là dạng nhanh do vậy độ đặc hiệu của kết quả xét nghiệm thấp. Ngoài ra, máu truyền trong trường hợp cấp cứu là máu toàn phần, có những thành phần không cần thiết mà bệnh nhân vẫn phải nhận gây ra những tác dụng phụ sau truyền máu.
Bác sĩ nói gì về tính minh bạch của việc tiếp nhận máu nhân đạo và cung cấp cho người bệnh ở các bệnh viện?
BS Nguyễn Ngọc Huỳnh: Quy trình tiếp nhận máu nhân đạo và cung cấp máu cho người bệnh là minh bạch. Người đến hiến máu nhân đạo được thanh toán một khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi lấy máu đúng quy định. Trung tâm Huyết học và Truyền máu tại Cần thơ xử lý đúng quy trình kỹ thuật để cho ra một đơn vị máu an toàn là khoa học chính xác đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Việc sử dụng máu như thế nào cho các đối tượng thuộc về các cơ sở điều trị.
Thưa bác sĩ, bác sĩ nghĩ sao về quan điểm cho rằng người có nhiều tiền dễ mua máu hơn người nghèo?
BS CK2 Lê Quang Võ, Giám đốc bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ: Không đúng! Truyền máu cho bệnh nhân là bình đẳng. Người bệnh cần truyền loại máu gì thì truyền loại đó, không cần thì không truyền chứ không biệt giàu nghèo.
Người giàu có tiền tự mua thì trực tiếp thanh toán; còn người nghèo có chế độ chính sách ưu đãi bảo hiểm y tế cho người nghèo.
Khi cần máu để cứu sống người bệnh thì chúng tôi đáp ứng ngay còn chi phí mua máu giải quyết sau theo quy định. Mạng sống của bệnh nhân là trên hết.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Phạm Tâm