Tại sao giữ bí mật lại không tốt cho sức khỏe?

(Dân trí) - Một số bí mật có thể tạo cảm hứng, chẳng hạn như kế hoạch quảng bá, hẹn hò, nhưng nhiều bí mật khác lại khiến đôi vai bạn oằn xuống, chẳng hạn như ngoại tình.

Một nghiên cứu của trường Kinh doanh Columbia đã xem xét 13.000 bí mật ở 10 nghiên cứu khác nhau trong mối tương quan với sức khỏe. Họ phát hiện ra rằng phần lớn những căng thẳng không phải là giấu bí mật mà là suy nghĩ và ám ảnh vì nó.

Trong 3 nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã đã thiết kế những bí mật và người tham gia nghiên cứu sẽ phải học cách chung sống với nó hoặc phải tìm cách che giấu nó.

Không như các nghiên cứu trước đây thực hiện trong phòng thí nghiệm với sinh viên đại học, nghiên cứu này có sự tham gia của mọi lứa tuổi, những người sẽ thông báo bí mật của mình trong 1 diễn đàn online ẩn, nơi giúp họ cởi mở hơn khi chia sẻ.

Bí mật sẽ xoay quanh các vấn đề từ dối trá đến nghiện ma túy và ngoại tình. Những suy nghĩ về đối tác, hành vi tính dục, nói dối và những ham muốn lãng mạn là những bí mật phổ biến nhất.

Hầu hết các bí mật phổ biến nhất thường được tiết lộ cho ít nhất 1 người nhưng không phải tất cả mọi người.

Tại sao giữ bí mật lại không tốt cho sức khỏe? - 1

Phần lớn những người tham gia nghiên cứu đều đang giấu giếm khoảng 13 bí mật. Kết quả là họ nghĩ tới nó khoảng 2,44 lần trong suốt 1 tháng khi đứng trước những người khác. So sánh với những người tham gia nghiên cứu hoàn toàn không chia sẻ với ai thì họ sẽ bị ám ảnh tới 4,82 lần trong tháng.

“Mọi người sẽ dự đoán rằng lúc nào họ cần phải che giấu bí mật của mình trong lo âu và cứ tiếp tục như vậy, hết lần này đến lần khác”. Michael Slepian, tác giả nghiên cứu báo cáo.

Các tác giả cũng cho biết: “Cùng với sự giảm sút của cảm giác hạnh phúc và sức khỏe thể chất, giữ bí mật còn làm họ sao nhãng công việc, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.

Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Seth Meyers, cho rằng chuyển hướng suy nghĩ là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Khi bạn bắt đầu bị ám ảnh bởi điều mình đang che giấu, hãy dừng lại, chú tâm vào bên ngoài, lắng nghe âm thanh, cảm giác của cơ thể và những gì bạn muốn ăn... Kỹ thuật này sẽ giúp bạn phân tâm và tập trung và những suy nghĩ lành mạnh hơn.

Nhân Hà

Theo MSN