Tại sao chân tôi lúc nào cũng lạnh?

(Dân trí) - Đôi khi, dù có xỏ bao nhiêu đôi tất, bạn vẫn có cảm giác hai bàn chân không thể ấm lên được. Nếu bạn đang tương đối khỏe mạnh, thì rất có thể nguyên nhân khiến chân bạn bị lạnh là vô hại. Nhưng có những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể làm cho đôi chân bạn lúc nào cũng lạnh.

Bạn có thể làm gì để làm ấm đôi bàn chân lạnh giá?
Bạn có thể làm gì để làm ấm đôi bàn chân lạnh giá?

Lý do đơn giản nhất là thiếu ấm. Một lý do phổ biến khác là lưu thông máu kém, khi bàn chân không nhân được không đủ máu để giữ ấm. Nguyên nhân có thể là do lối sống ít vận động nếu bạn dành phần lớn thời gian để ngồi tại bàn làm việc. Bạn có thể khắc phục điều đó bằng cách đứng dậy thường xuyên hơn và đi lại nhiều hơn trong ngày. Những vấn đề về tuần hoàn máu cũng có thể do các bệnh lý trong cơ thể.

Dưới đây là một số các lý do nghiêm trọng hơn có thể khiến bàn chân luôn lạnh giá:

Bệnh Raynaud

Bệnh Raynaud thường gây ra cảm giác lạnh và tê ở các ngón tay và ngón chân, thường là khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc thậm chí khi bị stress. Khi bị bệnh này, các động mạch nhỏ đưa máu đến da bị co thắt, hạn chế lưu thông ở một số vùng.

Bệnh Raynaud (còn gọi là hội chứng hay hiện tượng Raynaud) gặp phổ biến hơn ở phụ nữ và ở những người sống ở vùng khí hậu lạnh hơn.

Ngoài cảm giác lạnh, da thường thay đổi màu sắc. Vùng da bị ảnh hưởng chuyển sang màu trắng, sau đó màu xanh và sau đó chuyển sang màu đỏ khi được sưởi ấm. Khi làn da ấm lên, bạn có thể có cảm giác châm chích, đau hoặc rát bỏng.

Trong trường hợp nhẹ, có thể điều trị bệnh Raynaud bằng cách mặc nhiều lớp và đi tất dày để giữ ấm. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc để giúp lưu thông máu. Một số thuốc cảm lạnh không cần đơn và thuốc thuốc tim mach kê đơn có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn, do đó hãy hỏi bác sĩ nếu bạn thấy có triệu chứng.

Suy giáp trạng

Tuyến giáp hoạt động kém - hay suy giáp - là khi tuyến giáp không sản xuất đủ hoóc-môn giúp giữ cho nhiều hệ thống của cơ thể hoạt động bình thường. Các triệu chứng thường rất kín đáo và tiến triển chậm. Bạn có thể dễ nhầm chúng với lão hóa hoặc stress.

Các triệu chứng suy giáp bao gồm nhạy cảm với lạnh, cũng như mệt mỏi, tăng cân và các vấn đề về trí nhớ. Da có thể cảm thấy lạnh, khô và ngứa.

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tuyến giáp bằng xét nghiệm máu. Suy giáp được điều trị bằng hoóc-môn tuyến giáp tổng hợp uống hàng ngày.

Thiếu máu

Thiếu máu là khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đi khắp cơ thể. Các triệu chứng phổ biến nhất của thiếu máu là cảm thấy yếu và mệt, nhưng các triệu chứng khác bao gồm bàn tay và bàn chân lạnh, cũng như chóng mặt, thở gấp, đau đầu và da nhợt nhạt.

Điều trị tùy thuộc vào loại, nguyên nhân và mức độ thiếu máu, nhưng thường bao gồm thay đổi chế độ ăn và bổ sung sắt, axit folic, vitamin C, và/hoặc vitamin B12.

Bệnh động mạch ngoại biên

Còn được gọi là bệnh mạch máu ngoại vi, xơ vữa động mạch hay xơ cứng động mạch, tình trạng bệnh hay gặp này xảy ra khi cholesterol, mỡ hoặc một số chất khác tích tụ trên thành của động mạch. Những lắng đọng này tạo thành những cấu trúc cứng gọi là mảng bám và khiến cho thành động mạch thu hẹp.

Có thể mất nhiều năm để thành động mạch bị cứng và nhiều năm sau các triệu chứng mới biểu hiện. Thông thường, các dấu hiệu sớm nhất là khó chịu, đau và chuột rút ở bắp chân. Các triệu chứng khác bao gồm da bàn chân lạnh và đỏ hoặc đau ở bàn chân và ngón chân.

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng này. Điều trị tùy thuộc vào việc bệnh đã tiến triển đến mức nào và có thể bao gồm thay đổi lối sống và thuốc.

Tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis) là tình trạng ra mồ hôi quá nhiều thường xuyên hoặc liên tục và thường xảy ra ở bàn tay, bàn chân và nách. Ra nhiều mồ hôi có vẻ như không liên quan với bàn chân lạnh. Nhưng tăng tiết mồ hôi đồng nghĩa với cường thần kinh giao cảm. Điều này khiến các động mạch co lại, vì vậy trong khi bàn tay và bàn chân ra mồ hôi, chúng cũng đang nhận được ít máu hơn, khiến chúng càng lạnh và ướt. Các thuốc kê đơn thường được sử dụng để điều trị tình trạng này.

Tổn thương thần kinh do đái tháo đường

Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là một loại tổn thương thần kinh có thể xảy ra với người bị tiểu đường có đường huyết cao mạn tính. Các triệu chứng bao gồm tê bì, cảm giác kiến bò, nóng rát, đau và cảm giác lạnh ở bàn chân, cẳng chân hoặc tay. Các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm.

Tránh ngâm chân trong nước nóng để làm ấm (người bệnh có thể không nhận ra nước quá nóng). Thay vào đó, hãy luôn đi tất ấm, ngay cả khi ngủ, và sử dụng chăn điện vào ban đêm. Cũng nên tập thể dục thường xuyên và cử động ngón chân và bàn chân khi ngồi để giúp máu lưu thông.

Tổn thương thần kinh khác

Ngoài tổn thương thần kinh do tiểu đường, bạn cũng có thể gặp phải bệnh thần kinh ngoại vi do hậu quả của chấn thương hoặc một số bệnh nội khoa khác.

Đau dây thần kinh, gây cảm giác lạnh bàn chân, có thể là hậu quả của thiếu vitamin, bệnh thận hoặc bệnh gan, nhiễm trùng, rối loạn trao đổi chất, hoặc thậm chí tiếp xúc với một chất độc nào đó. Tình trạng cũng có thể là do di truyền và trong một số trường hợp không thể xác định được nguyên nhân.

Hút thuốc lá

Rối loạn tuần hoàn máu do hút thuốc lá có thể dẫn đến bàn chân lạnh. Một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng là bệnh Buerger, ảnh hưởng đến các mạch máu ở cánh tay và chân. Các mạch máu bị phù, có thể ngăn chặn lưu thông máu và tạo thành huyết khối. Các triệu chứng sớm bao gồm bàn tay và bàn chân lạnh, nhưng có thể dẫn đến tổn thương mô, đau và loét và thậm chí hoại tử.

Tóm lại, cho dù nguyên nhân là gì đi nữa thì lạnh bàn chân có thể rất khó chịu và trong một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của một bệnh nào đó nghiêm trọng hơn đang diễn ra. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nghĩ mình rơi vào trường hợp này.

Cẩm Tú

Theo MNN