Tách cặp song sinh dính liền nhau vùng bụng

(Dân trí) - Trong quá trình khám thai định kỳ, các bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường của song thai với vùng bụng bị dính liền. Các bé chào đời bị dính phần gan trái, tĩnh mạch lớn của gan thông thương với nhau sau hơn 1 tháng theo dõi, bệnh viện quyết định phẫu thuật tách rời.

Tách cặp song sinh dính liền nhau vùng bụng - 1

Bệnh nhi được chuẩn bị trước khi vào phòng mổ

Đó là trường hợp song sinh con của cặp vợ chồng quê Quảng Nam đang được các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật tách rời tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào sáng 2/10. Được biết, trước đó trong giai đoạn mang thai người mẹ đi kiểm tra định kỳ thì được bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Thai phụ được chuyển đến bệnh viện Từ Dũ, theo dõi, chăm sóc. Tại đây các kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ ghi nhận 2 thai nhi dính liền nhau vùng bụng nên hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1 để lên phương án chủ động xử lý ngay khi các bé chào đời. Sự phối hợp chuyên môn giữa 2 bệnh viện đã giúp người mẹ và 2 bé vượt cạn “mẹ tròn con vuông”.

Tách cặp song sinh dính liền nhau vùng bụng - 2

2 bé bị dính liền nhau vùng bụng

Ngay sau khi sinh vào tháng 8, các bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 chăm sóc chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tách rời. BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Hai bé dính nhau từ phần ức xuống bụng, những cơ quan trong ổ bụng đặc biệt là gan trái của 2 bé bị dính. Ngoài ra, một tĩnh mạch lớn của bé bên trái thông thương với tĩnh mạch gan lớn của bé bên phải, đây là sự thông thương về hệ cửa trong gan. Kiểm tra tổng thể không phát hiện thêm dị tật, tất cả hệ tiêu hóa, tim mạch của 2 bé đều riêng biệt.

Tách cặp song sinh dính liền nhau vùng bụng - 3

Hiện 2 bé đã được gần 8kg sức khỏe ổn định

Hiện 2 bé đạt cân nặng gần 8kg, tuy vùng dính liền quả 2 bé không lớn nhưng BS Hiếu cho biết, cuộc phẫu thuật tách rời sẽ gặp nhiều khó khăn do gan của trẻ sơ sinh không dai như trẻ lớn người trưởng thành nên rất dễ vỡ gây chảy máu từ mặt cắt của gan. Tiếp đến việc xử lý thông thương tĩnh mạch lớn trong gan làm thế nào để đảm bảo an toàn là rất khó, nguy cơ mất máu cấp, ảnh hưởng đến huyết động học có thể đe dọa an toàn của cuộc mổ. Mặt khác, sau cuộc mổ 2 bệnh nhi sẽ bị khuyết da vùng dính liền cần được che phủ.

Sau khi chuẩn bị các phương án hạn chế tối đa những rủi ro cho cuộc phẫu thuật, lúc 8 giờ các y bác sĩ đã chuyển 2 bệnh nhi vào phòng mổ. Dự kiến, ê kíp 18 y bác sĩ sẽ hoàn tất cuộc phẫu thuật tách rời 2 bé trong thời gian khoảng 4 giờ.

Tách cặp song sinh dính liền nhau vùng bụng - 4

Ê kíp phẫu thuật sẽ tách rời 4 bé trong thời gian dự kiến khoảng 4 giờ

Khác với những trường hợp song sinh trước, bệnh nhi được nuôi dưỡng đến sau 3 tuổi mới thực hiện cuộc mổ. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của chuyên môn cũng như các trang thiết bị hỗ trợ trong gây mê, hồi sức, phẫu thuật đã giúp các bác sĩ tự tin hơn khi đưa ra chỉ định phẫu thuật sớm. Theo BS Hiếu, việc phẫu thuật sớm không chỉ giúp bệnh nhi sớm hòa nhập cộng đồng với cuộc sống khỏe mạnh mà còn giúp gia đình giảm bớt những áp lực tâm lý cũng như những chi phí phát sinh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về ca phẫu thuật này.

Vân Sơn

(Ảnh: BS Hữu Khanh)