Tắc ruột vì chữa hóc xương bằng... nuốt chửng cam

Chỉ vì muốn nuốt trôi cái xương cá bị hóc, anh Thái Minh T. (45 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội) đã phải cấp cứu vì tắc ruột.

  

Bệnh nhân T. đang điều trị tại bệnh viện 354.

Bệnh nhân T. đang điều trị tại bệnh viện 354.

 

Đã 3 ngày cấp cứu nhưng anh Thái Minh T. vẫn chưa ăn uống được gì. Anh cho biết, tối ngày 11/12, anh ăn canh cá thì bị hóc xương. Anh đã làm mọi cách theo dân gian như nuốt cơm, dùng đũa... nhưng xương vẫn mắc.

 

9h tối anh lên mạng tra cách chữa hóc xương và thực hiện ăn cùi bưởi, sau đó chập 3 miếng cam làm một, nhai qua rồi nuốt chửng để cho xương trôi xuống. Anh ăn hai miếng như vậy thì thấy hết vướng xương, nhưng sáng hôm sau anh bị đau bụng quằn qoại, phải đi cấp cứu và kết quả chụp CT có khối xơ tắc tại ruột non. Bác sĩ đang cố gắng cấp cứu điều trị bảo tồn, nếu không có kết quả anh sẽ phải phẫu thuật.

 

BS Trương Thanh Tùng, Khoa Ngoại chung, Bệnh viện 354 cho biết, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng. Đây là một bệnh nguy hiểm, nếu tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như thủng ruột, giãn ruột, ruột hoại tử, viêm phúc mạc và xuất huyết.

 

Hầu hết, bệnh nhân thường phải phẫu thuật. Nếu nhẹ, u bã thức ăn đọng ở dạ dày có thể thực hiện bằng cách mổ nội soi, cắt nhỏ khối u và đưa ra. Khi bã thức ăn đọng ở ruột, đặc biệt là ruột non, phải phẫu thuật mở và rất khó khăn. Khoa vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân bị tắc ruột do ăn măng và trường hợp của anh T. là đặc biệt, tắc ruột không phải do ăn uống mà do dùng mẹo chữa hóc.

 

BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cảnh báo, đã có không ít ca gặp tai biến nguy hiểm hoặc tử vong do cách chữa hóc xương bằng mẹo. Bệnh nhân bị hóc xương đa phần thường do lơ đãng khi ăn uống. Dị vật xương cứng, sắc nên dễ làm bệnh nhân bị viêm niêm mạc hoặc thủng thực quản; trường hợp phát hiện trễ, quá trình viêm loét có thể làm thủng các mạch máu lớn nằm cạnh thực quản dẫn đến tử vong.

 

Nguy hiểm là có rất nhiều bệnh nhân khi bị hóc xương thường đi chữa mẹo như ăn nắm cơm thật to, thậm chí nuốt cọng tàu chuối, hay nuốt cam... để mong kéo xương ra. Tuy nhiên, nếu xương ra hoặc trôi vào chỉ là ăn may, còn hầu hết thì phải nhập viện trong tình trạng nặng hơn. Bởi các kinh nghiệm dân gian dễ gây thủng thực quản, tắc ruột nguy hiểm tới tính mạng.

 

Bác sĩ cũng khuyến cáo, trong bất kỳ trường hợp hóc xương nào cần đến viện càng sớm càng tốt vì đa phần hóc xương, xương thường theo đường ăn hóc ở thực quản, người bệnh cố gắng khạc ra ngoài hay vì lý do nào đó, xương có thể từ thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương làm thủng mạch máu, bệnh nhân rất dễ tử vong.

 

Theo Thúy Nga

Kiến thức