1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tác hại khi lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Chất naphazolin trong thuốc chống nghẹt mũi nếu được dùng nhiều sẽ hấp thu qua niêm mạc mũi, gây nhức đầu, hồi hộp, nhịp tim nhanh, kích động, lo lắng... Ngoài ra, việc dùng nó lâu ngày sẽ gây quen thuốc, viêm teo mũi.

Naphazolin giải phóng adrenalin, gây co mạch tại chỗ, giảm phù nề niêm mạc nên có tác dụng thông mũi, làm dễ thở ngay. Nó không có ghi chống chỉ định với phụ nữ có thai, mà chỉ cấm dùng cho trẻ em. Có tài liệu ghi là không dùng cho trẻ dưới 7 tuổi, một số tài liệu khác cho rằng giới hạn là 3 tuổi, thậm chí 1 tuổi.

 

Thuốc có tác dụng tại chỗ, nhưng dùng nhiều có thể được hấp thu qua niêm mạc mũi gây tác dụng toàn thân. Không được dùng naphazolin liên tục quá 3 ngày.

 

Việc sử dụng nó nhiều lần trong ngày, hoặc dùng liên tục trên một tuần rất có thể gây ra tình trạng quen thuốc. Lúc này, chẳng những thuốc không còn tác dụng chống sung huyết, mà còn dẫn đến “sung huyết hồi phát” gây nghẹt mũi nhiều hơn.

 

Mạch máu cung cấp ôxy đến các mô, nếu dùng nhiều lần naphazolin hoặc các thuốc gây co mạch khác, sẽ dễ xảy ra tình trạng giảm ôxy ở tổ chức trong cuốn mũi, dẫn đến phù nề. Phù nề trong hốc mũi sẽ gây ra nghẹt mũi, lại phát sinh nhu cầu nhỏ thuốc nhiều hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Hiệu lực của thuốc cứ ngắn dần, thậm chí mất tác dụng.

 

Ngoài ra, việc dùng thuốc nhỏ mũi lâu ngày còn có thể gây viêm teo mũi, thủng vách ngăn...

 

Khi bị nghẹt mũi, bạn không nên tự ý nhỏ thuốc thông mũi mà phải đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Qua thăm khám, thầy thuốc sẽ tìm ra nguyên nhân bệnh, ví dụ như viêm mũi dị ứng hoặc không dị ứng nhiều năm (dẫn đến phì đại cuốn mũi, gây nghẹt mũi thường xuyên), vẹo vách ngăn (làm cho mũi bị chật)... Khi tìm ra đúng nguyên nhân, thầy thuốc sẽ có biện pháp điều trị có hiệu quả.

 

Theo BS Vũ Hướng Văn - Sức Khỏe & Đời Sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm