Suýt tử vong vì không đi khám khi hồi hộp, trống ngực, hoa mắt
(Dân trí) - Từng có các cơn hồi hộp, trống ngực từ 3 tháng trước nhưng bệnh nhân không đi kiểm tra, đến khi chóng mặt, dữ dội, ngất lịm mới nhập viện thì tình trạng đã rất nguy kịch.
Ngày 17/6, thông tin từ BS-CKII Nguyễn Tri Thức, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tại đây vừa tiếp nhận, can thiệp kịp thời cho một bệnh nhân bị rung nhĩ cơn trên hội chứng Wolff – Parkinson – White hiếm gặp. Bệnh nhân mắc hội chứng trên là bà T.T.B. (76 tuổi, ngụ tại Long An) bị rơi vào cơn loạn nhịp tim, rung thất, ngất xỉu.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, 3 tháng trước nhập viện bệnh nhân có các cơn hồi hộp, trống ngực, hoa mắt nhưng không đi kiểm tra. Trước khi phải chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu, bệnh nhân đột ngột chóng mặt dữ dội, sau đó ngất lịm.
Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng mạch nhẹ, huyết áp khó đo, monitor loạn nhịp tim hoàn toàn. Bệnh nhân nhanh chóng được xử trí sốc điện chuyển nhịp, đồng thời đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau 12 tiếng hồi sức tích cực, người bệnh mới thoát khỏi cửa tử, được rút nội khí quản, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định.
Tại khoa Điều trị Rối Loạn Nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chẩn đoán rung nhĩ cơn trên hội chứng Wolff – Parkinson – White đe dọa huyết động có ngất. Các bác sĩ đã quyết định thăm dò khảo sát điện lý và điều trị rối loạn nhịp này bằng phương pháp đốt sóng cao tần qua catheter. Sau 1 giờ 30 phút bệnh nhân đã được đốt với sóng cao tần thành công, sức khỏe dần ổn định.
Thông tin chuyên môn từ BS Tri Thức cho hay, rung nhĩ trên người bệnh có hội chứng Wolff - Parkinson - White là bệnh lý hiếm gặp (xuất độ khoảng 68 đến 170/100.000 dân). Bệnh được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1915 bởi Frank Norman Wilson. Năm 1930, được đồng thời 3 nhà tim mạch học Louis Wolff, John Parkinson và Paul Dudley White tổng hợp và đặt thành hội chứng (WPW).
Bệnh nhân có hội chứng WPW kèm rung nhĩ, thường rơi vào các cơn loạn nhịp tim với tần số đáp thất rất cao khoảng 200 đến 240 lần/phút và thoái biến vào nhanh thất hoặc rung thất dẫn đến đột tử. Tỷ lệ điều trị đốt bằng sóng cao tần qua catheter được ứng dụng thành công (gần 90%) hứa hẹn sẽ là “cứu cánh” cho những bệnh nhân WPW có rung nhĩ nói riêng cũng như bệnh nhân rung nhĩ đơn độc.
Vân Sơn