Suýt chết vì tưởng đột quỵ, bệnh nhân hồi phục vì được giải cứu khỏi khối u não

(Dân trí) - Sau 3 tháng điều trị tại viện vì dấu hiệu của tai biến, đột quỵ, bệnh nhân bất ngờ có biểu hiện tái phát trở lại, yếu, liệt nửa người bên trái. Người bệnh không chỉ khó khăn đi lại mà ảnh hưởng đến thở, nhịp tim, phản xạ ho khạc đờm, khó nuốt…

Bệnh nhân N.T.V (37 tuổi, Bắc Giang) được gia đình đưa đến Bệnh viện K Tân Triều trong tình trạng gần như liệt hoàn toàn nửa người bên trái.

Bệnh sử của bệnh nhân khiến bác sĩ rất chú ý. Vì cách thời điểm 3 tháng vào viện, bệnh nhân cũng có dấu hiệu tương tự, nghi ngờ tai biến, đột quỵ và được điều trị nội khoa như một trường hợp tai biến, tình trạng ổn định được ra viện.

Tuy nhiên 3 tháng bệnh nhân lại xuất hiện các dấu hiệu tương tự, kèm theo biểu hiện nhìn đôi, liệt gần như nửa người bên trái và được giới thiệu đến Bệnh viện K khám.

Khối u chiếm đến 2/3 chu vi cầu não gây nên tình trạng liệt nửa người, nuốt khó... giống như tai biến của bệnh nhân.
Khối u chiếm đến 2/3 chu vi cầu não gây nên tình trạng liệt nửa người, nuốt khó... giống như tai biến của bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện K) cho biết, trước những dấu hiệu của bệnh nhân, các bác sĩ nghi ngờ có khối u não. Đúng như chẩn đoán ban đầu, hình ảnh chiếu chụp cho thấy bệnh nhân có khối u ở vùng cầu não, chiếm đến 2/3 chu vi cầu não. “Đây là vị trí liên quan đến thở, nhịp tim, liệt, vận động và nuốt (phản xạ ho khạc đờm) và khối u đã chèn ép khiến người bệnh có các biểu hiện giống như một cơn đột quỵ, liệt yếu nữa người”, TS Liên nói.

Với trường hợp này, nếu không phẫu thuật, khối u sẽ ngày càng phát triển gây nên các triệu chứng trầm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Trong khi phẫu thuật, đây là một vị trí hiểm, nếu rủi ro người bệnh sẽ vĩnh viễn phải thở máy, nhẹ hơn thở khí quản trong thời gian dài, ăn bằng xông (do có nguy cơ mất phản xạ nuốt). Vì thế, quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân là một thách thức lớn với các bác sĩ.

"Trong khi thể tích não bé, khối u chiếm đến 2/3 nên chúng tôi lựa chọn đường mổ vào sau gáy nhỏ chỉ 4cm, với trường mổ thực sự chỉ khoảng 1cm và đã lấy được toàn bộ khối u mà không làm tổn thương các tổ chức khác. Sau ca mổ 4 tiếng thực hiện ngày 27/9, chỉ sau một ngày bệnh nhân được cai máy, ngày 2 bệnh nhân đã ngồi dậy, ngày 3 bệnh nhân tập đi lại và hiện giờ phản ứng, nói năng tốt", TS Liên vui mừng thông báo.

Suýt chết vì tưởng đột quỵ, bệnh nhân hồi phục vì được giải cứu khỏi khối u não - 2

Anh N.T.V chia sẻ, những tưởng mình "ra đi mãi mãi" nên khi bác sĩ giải thích phương pháp điều trị anh và gia đình nhất quyết đòi mổ. "Tôi ngỡ mình không chết thì cũng nằm đâu, nằm đấy, nhưng giờ có thể đi lại, nói năng được bình thường, ăn uống được bình thường, cứ ngỡ như mơ nhưng là thật vì tôi sẽ được xuất viện trong vài ngày tới", anh V. nói.

TS Liên chia sẻ thêm, trong ca phẫu thuật, Ekip hồi sức đặc biệt quan trọng, vì trong quá trình mổ chỉ cần não phù lên một chút bác sĩ sẽ không có chỗ để đi sâu vào can thiệp vì vị trí cần can thiệp cách bề mặt da 8 – 10cm. Xung quanh đó mạch máu, dây vận động, dây cảm giác đều "chằng chịt", có thể ví như một cái cây, bác sĩ có nhiệm vụ lấy khối u chiếm 2/3 thân cây nhưng không được làm cây sập, tổn thương thêm.

TS Liên cho biết, bệnh lý u máu nếu gặp ở bán cầu đại não có nhiều biện pháp để can thiệp. Nhưng khối u ở thân não gây những triệu chứng nặng nề. Có những bệnh nhân bị liệt, không ăn uống được, có bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp... Nếu không phẫu thuật khối u phát triển, tự chảy máu, làm mất dần các chức năng tiếp theo. Khối u là thách thức với tất cả các bác sĩ, dù phẫu thuật thành công nhưng tương lai vẫn phải tiếp tục nghiên cứu vì phụ thuộc vị trí, tình trạng bệnh.

Đáng nói dấu hiệu gợi ý điển hình của căn bệnh này rất khó. Bệnh gặp nhiều lứa tuổi trung niên, với các biểu hiện chung bệnh nhân hay đau đầu dai dẳng tái phát liên tục, bệnh nhân có nhưng cơn ngất không rõ nguyên nhân; hay có những bệnh nhân được điều trị như cơn tai biến đột quỵ não thoáng qua...

Hồng Hải