Sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh sau 9 năm thực hiện

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 9 năm thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh, tới đây Bộ Y tế và Ban soạn thảo sẽ xây dựng dự thảo Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn.

Ngày 12/7, tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Y tế đánh giá, sau 9 năm đi vào thực tiễn (Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011), Luật đã có những ảnh hưởng quan trọng và giúp lĩnh vực khám chữa bệnh có những bước phát triển mạnh mẽ.

Sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh sau 9 năm thực hiện - 1

Theo đó, Luật đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, tạo điều kiện để phát triển ổn định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng tốt.

Đặc biệt, Luật đã góp phần chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật cũng giúp xây dựng mạng lưới cơ sở y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển rộng khắp, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Nhờ áp dụng Luật khám bệnh, chữa bệnh, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế ngày càng tăng...

"Đặc biệt, Luật khám bệnh, chữa bệnh cũng góp phần tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam đã tiếp cận và phát triển các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới", Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Y tế và Ban soạn thảo sẽ xây dựng dự thảo Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn.

Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đóng góp ý kiến, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế.

Nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác. Đồng thời xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong Luật hiện tại.

Hồng Hải  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm