1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sự thật về béo phì và rối loạn mỡ máu

(Dân trí) - Trong y tế thường ví von "Vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn", dân gian lại đùa “Ngày xưa to bụng là sang. Ngày nay to bụng mỡ gan, đái đường”. Như vậy: "béo là xấu" và "mập không là mạnh".

Hiện nay, khi mức sống tăng lên, khi thực phẩm quá dồi dào thì béo phì và thừa mỡ máu cũng tăng theo. Thống kê hiện nay của viện Dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỉ lệ cao gần 40%.

Béo phì thật sự là mối nguy cơ, lo lắng lớn đối với sức khỏe, nếu không được kiểm soát đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược sinh dục...

Định danh và xác định béo phì

Bình thường mỡ chiếm gần 25% trọng lượng cơ thể; một người nặng 60 cân thì lượng mỡ cho phép là 15kg, nếu cao đến 18kg là bị béo phì.

Để chẩn đoán béo phì người ta dùng các tiêu chí sau:

+ Chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index):

BMI = Trọng lượng cơ thể (kg)

Chiều cao (m) chiều cao (m)

Có 4 mức đánh giá : (1) dưới 18 là thiếu cân, suy dưỡng, (2) từ 18-23 là bình thường, từ 23-25 là quá cân và (4) trên 25 là béo phì, BMI càng cao thì béo phì càng nặng.

+ Vòng bụng (VB):

Béo phì khi VB 90cm ở nam; VB 80cm ở nữ.

+ Tỷ lệ vòng bụng/ vòng mông (VB/ VM)

Bình thường VB/ VM 0,8 ở nữ và 0,9 ở nam; lớn hơn 1 là béo phì

Tiêu chí đánh giá rối loạn mỡ (lipid) máu

Rối loạn lipid máu khi có một trong các rối loạn sau: (1) Cholesterol toàn phần (TC) >5,20 mmol/L, (2) Cholesterol có hại (LDL-C)> 3,37 mmol/L, (3) Cholesterol có lợi (HDL-C) < 1,04 mmol/L, (4) Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) <0,78 mmol/L, (5) Triglycerid (TG) > 1,81 mmol/L và (6) Lipid > 8 g/L.

Khi đã bị tăng mỡ máu, cần siêu âm bụng và thậm chí chụp CT Scan bụng để xem mỡ có xâm nhập gan và các cơ quan nội tạng hay không. Đồng thời cũng nên tầm soát bệnh đái tháo đường vì người béo phì, rối loạn lipid máu có khả năng bị đái tháo đường rất cao.

Các thể loại béo phì

- Béo phì bụng còn gọi là béo phì dạng nam, béo phì trung tâm hay béo quả táo khi mỡ thừa tập trung nhiều vùng bụng và cơ quan nội tạng.

- Béo phì mông còn gọi là béo phì dạng nữ, béo phì dưới da hay béo quả lê khi mỡ thừa tập trung ở vùng mông và vùng đùi.

Béo quả táo và béo quả lê
Béo quả táo và béo quả lê

​+ Dựa theo nguyên nhân sinh bệnh có các loại béo phì :

- Béo phì đơn thuần hay ngoại sinh chủ yếu do ăn uống quá nhiều vận động quá ít hoặc cả hai.

- Béo phì bệnh lý vì có các bệnh liên quan như có gien béo phì, nhiễm vi rút béo phì (vi rút Ad-36)...

Những hệ lụy do béo phì rối loạn mỡ máu

Béo phì gây ra rất nhiều hậu quả tai hại trên nhiều cơ quan, hệ thống trong cơ thể con người.

Tác hại trên hệ thống tim mạch: Béo phì là tiền đề gây ra bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đột qụy, suy tim, bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), đột tử

Tác hại trên hệ thống nội tiết: Thống kê cho thấy khoảng 90 % người đái tháo đường thể 2 là người béo phì. Béo phì cũng làm tăng đề kháng với insuline, làm suy giảm tình dục...

Tác hại trên hệ thống hô hấp: Béo phì có thể gây khó thở hoặc, ngưng thở khi ngủ.

Tác hại trên hệ tiêu hóa: Béo phì sẽ làm gan bị tích đọng mỡ, nhiễm mỡ, sỏi mật, giãn tĩnh mạch.

Các nguy cơ khác như: Thoái hóa khớp, buồng trứng đa nang, ung thư...

Phòng ngừa và chữa trị

Chủ yếu là điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường vận động, sau đó mới dùng thuốc men hoặc các phương cách khác.

Thay đổi cách ăn và chế độ ăn:

*Chế độ ăn vừa phải, đủ năng lượng cơ thể hoạt động, không ăn quá no, quá nhiều.

*Hạn chế tối đa thức ăn có chất béo (dầu mỡ) đặc biệt chất béo gốc động vật.

*Giảm ăn đường, kể cả đường bột. Đường bột có thể chuyển hóa biến thành chất mỡ khi vào trong cơ thể người.

*Tăng thức ăn xơ sợi và rau quả.

*Giảm tối đa uống rượu bia và các thức uống có cồn vì những thức uống này làm sẽ làm tăng tích mỡ trong cơ thể.

Tăng vận động:

*Thể dục, thể thao, khí công với phương châm " Cục đá lăn sẽ không bám mốc" (the rolling stones get no moss),

* Sự vận động ngoài tránh được béo phì nói riêng còn làm tăng cường sức khỏe và giúp tránh nhiều bệnh tật khác.

Thuốc chống béo phì:

Các thuốc này được dùng với các mục đích sau:

- Làm giảm hay ức chế sự hấp thụ chất béo, mỡ từ đường tiêu hóa.

- Làm giảm cholesterol và các dạng mỡ khác lưu hành trong máu.

- Thuốc làm chán ăn.

Các phương pháp khác

Một số trường hợp béo phì đặc biệt người ta có thể thực hiện thêm:

- Phẫu thuật lấy bớt mỡ ở những béo phì "quá khổ"

- Đặt bóng vào dạ dày để tạo cảm giác no và cản việc ăn nhiều

Sự thật về béo phì và rối loạn mỡ máu - 2

- Nẹp tâm vị dạ dày để giảm lượng thức ăn

 

Sự thật về béo phì và rối loạn mỡ máu - 3

 

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam