1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sử dụng dầu ăn như thế nào tốt cho sức khỏe?

Hà An

(Dân trí) - Dầu ăn thuộc nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng. Đồng thời, nó còn là dung môi hòa tan các vitamin cần thiết cho cơ thể.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết chất béo là thành phần không thể thiếu cấu tạo nên màng tế bào, nhất là các tế bào thần kinh và nhiều hormone quan trọng. Chúng còn là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K cần thiết cho cơ thể. 

Khi cơ thể thiếu chất béo, các vitamin này khó được hấp thụ, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, nhất là hệ thần kinh. Trẻ nhỏ chậm tăng trưởng, thiếu dinh dưỡng, kém tập trung... Trong khi người lớn dễ bị đau nhức xương, thậm chí loãng xương, nhìn kém, giảm sức đề kháng.

Sử dụng dầu ăn như thế nào tốt cho sức khỏe? - 1

Dầu sử dụng chiên, xào còn dư nên bỏ đi không dùng đi dùng lại nhiều lần (chỉ dùng tối đa 2 lần) (Ảnh minh họa: Food.Ndtv).

Bên cạnh đó, chất béo (lipid) là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, gấp đôi protein và chất đường bột. Trong bữa ăn của người trưởng thành cần 20-25% năng lượng từ chất béo. Trẻ càng nhỏ càng cần nhiều hơn, thậm chí lên tới 40-60% nếu dưới 6 tháng. Lưu ý, với trẻ nhỏ, tỷ lệ chất béo động vật không nên vượt quá 70% tổng số chất béo khẩu phần ăn, BS Sơn cho biết.

Dầu ăn là món đồ không thể thiếu trong tủ bếp gia đình. Hầu hết các loại dầu ăn có chứa chất béo không bão hòa rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý cách sử dụng dầu ăn trong quá trình chế biến thức ăn để đảm bảo tốt cho sức khỏe. Vì chất béo không bão hòa không bền vững, khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi không tốt cho sức khỏe. 

Sử dụng dầu ăn như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), một điều rất quan trọng là khi sử dụng dầu ăn là phải chú ý cho dầu vào thực phẩm ở thời điểm nào. Khi sơ chế nguyên liệu, nên cho gia vị vào trước rồi mới thêm dầu ăn, như vậy mới đảm bảo cho gia vị ngấm vào thức ăn. 

Có thể cho dầu ăn khi thức ăn đã chín, bắc ra khỏi bếp để dậy mùi thức ăn hơn. Tùy theo kinh nghiệm và thói quen nấu ăn, các loại dầu có thể được sử dụng đặc thù với từng loại thực phẩm.

Trong mỗi gia đình nên có hai loại dầu để sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau. Loại thứ nhất để cung cấp các axit béo thiết yếu chủ yếu là các loại dầu hạt như dầu mè, dầu nành, dầu olive…. Các loại dầu này nên dùng để trộn với dấm, salad, chế vào thức ăn trẻ em, nấu canh, ướp thịt cá… 

Loại thứ hai là dầu dừa, dầu đậu phộng… dùng để chiên, xào ở nhiệt độ cao như rán chả, giò, cá, khoai tây.

Dầu ăn (loại dầu hạt) nếu đảm bảo vệ sinh thì sử dụng dưới dạng trộn salad là tốt nhất vì dưới hình thức này, các axit béo chưa no có nhiều mạch kép trong cấu trúc được bảo toàn nguyên vẹn, đảm bảo được nhu cầu năng lượng cho trẻ hoạt động cả ngày.

BS Sơn cũng lưu ý thêm khi chế biến với dầu thực vật, lưu ý không để nhiệt độ quá cao. Lý do nếu đun lâu ở nhiệt độ cao, các axít béo không no sẽ bị oxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời tạo thành các sản phẩm trung gian có hại như peroxit, aldehyde... Lưu ý, không nên tái sử dụng dầu đã rán ở nhiệt độ cao.

Bảo quản dầu ăn đúng cách

Trong quá trình sử dụng, chúng ta nên để dầu chỗ mát, không để nơi quá nóng, tránh ánh sáng. Tốt nhất nên để dầu ăn ở nhiệt độ 10-15 độ C, nhưng không quá 35 độ C. Nên đậy kín chai sau mỗi lần dùng.

Dầu sử dụng chiên, xào còn dư nên bỏ đi không dùng đi dùng lại nhiều lần (chỉ dùng tối đa 2 lần) vì trong quá trình chịu tác động của nhiệt độ cao nó sinh ra chất béo thể trans và một số thành phần độc hại khác không tốt cho cơ thể. Dầu đã mở nắp chỉ nên sử dụng trong khoảng 1 tháng.

Tuyệt đối không đựng dầu ăn trong vào thùng vại kim loại hay chai lọ bị ướt vì nước bên trong lọ có thể có vi khuẩn, làm dầu ăn phân hủy không tốt cho sức khỏe. Nếu bạn mua chai dầu ăn lớn và muốn chiết ra thì chỉ nên để trong chai lọ nhựa, thủy tinh sạch, khô ráo.

Bạn nên cho ít hồi, quế hay hạt tiêu vào để ngăn oxy hóa vào dầu ăn, không những vậy mà nó còn giữ được mùi thơm cho dầu ăn.