Ăn ngọt như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đành rằng ăn ngọt nhiều quá sẽ không tốt cho sức khỏe nhưng không phải cứ ngọt là xấu. Bạn đã biết cách ăn ngọt phù hợp với bản thân và có lợi cho sức khỏe chưa? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Có phải cứ ngọt là xấu, đường là hại?

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về đường đó là xem đường như một chất gây hại với sức khỏe con người và cần được loại bỏ hoàn toàn trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh đường giữ vai trò then chốt trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu không nạp đủ lượng đường cần thiết, chúng ta rất dễ bị mệt mỏi, thậm chí hạ đường huyết. Ngược lại, nếu sử dụng đường bẩn có lẫn hóa chất trong một thời gian dài, độc tố sẽ bị tích tụ trong cơ thể, có thể dẫn đến ung thư.

Một suy nghĩ lệch lạc khác đó là đánh giá các chất làm ngọt nhân tạo tốt hơn đường. Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng chất làm ngọt nhân tạo khiến tỷ lệ mắc các bênh béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và đột quỵ cao hơn. Các nghiên cứu cũng kết luận chất làm ngọt không chứa calories có thể giúp mọi người giảm cân nhưng đồ uống ít calories sẽ không làm giảm sự thèm ăn.

Ăn ngọt như thế nào để tốt cho sức khỏe? - 1
Ăn ngọt một cách vừa phải có lợi cho sức khỏe của chúng ta.

Trái ngược với những suy nghĩ tiêu cực mà nhiều người thường áp cho đường, nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải, đường sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đường cung cấp năng lượng cho toàn bộ cơ thể, thậm chí còn tạo ra nguồn năng lượng dự phòng để chúng ta sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, đường tự nhiên còn bao gồm các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm như sữa, trái cây và rau củ đều cung cấp thêm chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và hydrat hóa. Cuối cùng, đường giúp “up mood”, tạo cảm giác phấn chấn, tươi tỉnh cho con người. Vì thế, những bạn trẻ vốn thường xuyên uể oải với lịch làm việc, học tập dày đặc đừng nên bỏ hẳn đường ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày nhé.

Ăn ngọt sao cho “healthy và balance”?

Đường “up mood”, thêm năng lượng nhưng làm sao chọn đúng loại đường cần mua thì nhiều người vẫn còn khá mơ hồ. Trước thực tế nhiều sản phẩm đường không nhãn mác, xuất xứ được bán trôi nổi trên thị trường, chúng ta cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin thật kỹ. Bạn trẻ nên chọn túi đường có thương hiệu uy tín, được bảo đảm chất lượng cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, ngày sản xuất...

Với sự quan tâm từ Chính phủ và nỗ lực đổi mới từ các doanh nghiệp mía đường trong nước, thị trường mía đường Việt Nam hiện đã có thể cung cấp nhiều sản phẩm uy tín, an toàn phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Chỉ cần đến bất kỳ hệ thống chuỗi siêu thị lớn nhỏ trên cả nước, các cửa hàng tiện ích, các tiệm tạp hóa, các sàn thương mại điện tử…, chúng ta dễ dàng lựa chọn được những sản phẩm đường an toàn, đạt chuẩn, và phù hợp với nhu cầu sử dụng hằng ngày của gia đình.

Lựa chọn được loại đường cần mua, vậy còn nạp đường đúng cách thì sao? Là một tín đồ hảo ngọt nhiều năm nay, cũng từng lăn tăn về những mối nguy hại từ đường, nhưng giờ đây sau thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, Minh Anh (28 tuổi, Hà Nội) tự tin đúc rút: “Với mình, thời điểm bổ sung đường tốt nhất trong ngày là vào buổi sáng. Sau một giấc ngủ dài không được nạp đường, mức năng lượng trong cơ thể sẽ xuống rất thấp. Vì thế, khoảng một tiếng sau khi thức dậy, mình thường uống một ly nước ép trái cây tươi có nguồn đường tự nhiên, thi thoảng ăn thêm một chiếc bánh ngọt nho nhỏ để thỏa mãn bản thân (cười).”

Ăn ngọt như thế nào để tốt cho sức khỏe? - 2
Bổ sung đường vừa phải vào buổi sáng giúp lượng đường trong máu không xuống quá thấp.

Ngoài buổi sáng, chúng ta cũng nên bổ sung đường ở mức hợp lý sau khi vận động thể dục thể thao và lao động nặng nhọc. Việc bù đắp năng lượng cho cơ thể sau những hoạt động đòi hỏi nhiều năng lượng sẽ giúp lượng đường trong máu ở mức ổn định, không bị hạ đường huyết.

Bạn trẻ cũng cần chú ý nạp đủ lượng đường mỗi ngày, không để quá dư hay quá thiếu. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), lượng đường bổ sung tối đa mà nam giới nên ăn là 150 calories/ ngày (37,5 gram hoặc 9 muỗng cà phê), ở nữ là 100 calories/ ngày (25 gram hoặc 6 muỗng cà phê). Sử dụng những ứng dụng trên điện thoại để tính toán lượng calories và hàm lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp bạn trẻ dễ dàng kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể.

Nếu lỡ “quá trớn” nạp một lượng đường vượt mức cho phép thì bạn trẻ vẫn có cách để “chữa cháy” bằng việc uống nhiều nước, tăng cường vận động, chủ động cắt giảm đường trong những lần ăn uống tiếp theo…

Ăn ngọt như thế nào để tốt cho sức khỏe? - 3
Các bài tập thể dục giúp bạn cân bằng lượng đường trong cơ thể. Cũng đừng quên bổ sung đường sau khi tập bạn nhé.

Thanh Vân (19 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thường tập thể dục 4 lần/ tuần để cân bằng lại lượng đường đã nạp vào cơ thể. Nhờ vậy mình có thể cảm nhận cơ thể đang trở nên khỏe khoắn, săn chắc, tinh thần minh mẫn hơn mỗi ngày.”

Đường sẽ tốt cho cơ thể nếu được bổ sung đúng loại, đúng lúc và đủ lượng. Có một chế độ ăn uống với hàm lượng đường hài hòa, cộng với vận động thể dục thể thao chừng mực, thường xuyên sẽ giúp bạn vừa thỏa mãn khẩu vị ưa ngọt của mình, vừa đảm bảo có được một sức khỏe tốt và tinh thần hứng khởi.