"Sự cố nghề nghiệp" khiến nhiều nhân viên y tế ở TPHCM phơi nhiễm Covid-19

Vân Sơn

(Dân trí) - Sự cố nghề nghiệp đang xảy ra với chính nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19 ở TPHCM. Hiện tượng phơi nhiễm Covid-19 khiến nhiều người làm công tác chuyên môn trở thành bệnh nhân.

Nhiều nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm liên quan đến các nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác chống dịch.

Cụ thể, ngày 10/6, Bệnh viện Lê Văn Việt, TP Thủ Đức qua tầm soát đã phát hiện một ca dương tính là nhân viên sửa chữa ô tô.

Từ ca bệnh trên, công tác truy vết tiếp tục phát hiện thêm một nhân viên đội nâng xe; một nhân viên kỹ thuật cảng; một nhân viên kiểm hàng hóa cảng quận 7, nhiễm SARS-CoV-2.

Qua xét nghiệm tầm soát, bệnh viện còn phát hiện thêm 3 trường hợp là nhân viên y tế cũng dương tính với SASR-CoV-2.

Sự cố nghề nghiệp khiến nhiều nhân viên y tế ở TPHCM phơi nhiễm Covid-19 - 1

Nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nhân viên y tế ở mức cao (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Tiếp đó, ngày 14/6, tại Trạm y tế phường An Lạc, quận Bình Tân phát hiện 3 nhân viên y tế của trạm, một công an phường dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay, chuỗi lây nhiễm này có 12 trường hợp dương tính được xác định, gồm: 4 nhân viên Trạm y tế An Lạc; 2 nhân viên xét nghiệm của Trung tâm Y tế quận Bình Tân; 5 dân phòng bảo vệ chốt phong tỏa và một cán bộ công an.

Một số bệnh viện khác cũng phát hiện nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Tân Phú phát hiện ca bệnh từ ngày 30/5 là nhân viên lái xe.

Đến nay, ổ dịch này ghi nhận 8 nhân viên y tế bao, gồm: 7 người của Bệnh viện quận Tân Phú; một người của Trung tâm Y tế quận Tân Phú.

Sự cố nghề nghiệp khiến nhiều nhân viên y tế ở TPHCM phơi nhiễm Covid-19 - 2

Không chỉ nhân viên y tế, lực lượng dân phòng, công an tham gia chống dịch, bảo vệ các chốt phong tỏa cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: Hải Long). 

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược phát hiện một ca bệnh chỉ điểm vào ngày 15/6, bệnh nhân là chồng của nhân viên y tế đang công tác ở bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm xác định người vợ cũng đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, còn một nhân viên hậu cần của bệnh viện cũng cho kết quả dương tính.

Chuỗi lây nhiễm lớn nhất trong lực lượng y tế xảy ra ngay tại căn cứ địa chống dịch Covid-19 của TPHCM là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Từ ngày 11/6 đến nay ổ dịch này đã ghi nhận 93 ca dương tính, trong đó 63 người là nhân viên y tế, 11 trường hợp là người nhà của họ, 18 ca tiếp xúc gần với nhóm người nhà.

Biến chủng delta rất nguy hiểm, tốc độ lây lan rất nhanh

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về hoạt động phòng chống dịch Covid-19 diễn ra trưa nay (25/6), Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thừa nhận: "Chúng tôi đang đối mặt với không ít khó khăn bởi biến chủng delta rất nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh, hiện tượng phơi nhiễm đã xảy ra trong lực lượng y tế tham gia chống dịch".

Sự cố nghề nghiệp khiến nhiều nhân viên y tế ở TPHCM phơi nhiễm Covid-19 - 3

Nhóm y bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân dương tính, nguy cơ lây nhiễm càng cao (Ảnh minh họa: Hải Long). 

GS Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh: "Tốc độ lây nhiễm của biến thể delta đã cho thấy mức độ nguy hiểm khi hầu hết nhân viên y tế tại phòng Hành chính Quản trị và phòng Công nghệ Thông tin (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) đều bị nhiễm. Hiện tượng phơi nhiễm đã có trong ngành y tế, đây coi như sự cố nghề nghiệp của nhân viên y tế".

Theo ông Bỉnh, mặc dù nhân viên y tế đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, che mặt nạ, mang khẩu trang nhưng trong quá trình tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân vẫn có những sơ suất dẫn tới nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, nhóm y bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân dương tính, nguy cơ lây nhiễm càng cao.

Sự cố nghề nghiệp khiến nhiều nhân viên y tế ở TPHCM phơi nhiễm Covid-19 - 4

Lực lượng y tế làm nhiệm vụ chích vắc xin Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ngành y tế thành phố sẽ tăng cường lực lượng tham gia phòng chống dịch, mở rộng thêm các khu cách ly, điều trị, bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch đang được đặt lên hàng đầu.

Ngoài những khuyến cáo an toàn chung, người đứng đầu ngành y tế khuyến cáo nhân viên y tế tăng cường các biện pháp chủ động bảo vệ bản thân trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao.

Ông Bỉnh kêu gọi cộng đồng thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và Chỉ thị 10 của UBND thành phố, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.