Spa - Cuộc chơi “thượng vàng ...hạ cám” !?

Chưa bao giờ phong trào làm đẹp và chăm chút bản thân lại “bùng nổ” như hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu “học làm sang” của các “thượng đế”, khắp các nơi trong thành phố đã nở rộ dịch vụ spa, từ bình dân đến cao cấp!

Tôi cũng tò mò tìm đến spa để rồi nhận ra cuộc chơi không thể có tên mình.

 

Spa “nhái”: massage biến tướng !?

 

Trưa, tôi ngồi lại cơ quan ăn vội hộp cơm vừa được tiệm cơm bình dân mang đến và chuẩn bị lim dim mắt thì cô bạn thân gọi đến, giọng uể oải: “Đầu tuần họp hành căng thẳng quá, trưa nay bọn mình đi spa nha?”. Thấy tôi còn đang lừng khừng cô bạn chơi đòn tâm lý: “Bồ đừng lo, không tốn nhiều tiền đâu, 150 ngàn đồng cho nửa tiếng làm nữ hoàng, ok?”.  

 

Bọn tôi đến Beauty Spa N.H trên đường CMT8 (Q.3, TPHCM), cơ sở trông cũng khá khang trang, chiều ngang chừng 6m, dài 20m bên ngoài có vườn kiểng xanh, hồ cá và hòn non bộ...

 

Sau khi lịch sự mời khách bằng ly nước ép trái cây cô nhân viên tư vấn tận tình hướng dẫn chúng tôi chọn lựa dịch vụ trên các set menu. Đối với người ăn lương tháng như tôi mức giá phải được quan tâm hàng đầu nên tôi xem rất kỹ: 10USD, 20USD, 30USD...

 

Chúng tôi chọn suất massage body trị giá 10 USD, cô nhân viên đưa chúng tôi lên lầu 2. Căn phòng rộng được chia ra từng ô nhỏ bằng những tấm màn trắng, mỗi ô là một giường massage, bên cạnh là xe đẩy dụng cụ và mỹ phẩm.

 

Cũng nhạc êm dịu, ánh sáng được phát ra từ những ngọn nến lung linh nhưng tôi kịp nhận ra đây chẳng khác gì một điểm massage - tuyệt nhiên không phải spa, dẫu sao tôi cũng có một chút hiểu biết về spa.

 

Không kịp để tôi phản ứng, cô bạn đi cùng tôi bỏ nhỏ: spa đang là “mốt” nên hầu hết các dịch vụ massage đã gắn thêm lên mình chữ spa. “Ngay cả dân đi dùng dịch vụ này cũng chẳng hiểu được spa thật ra nó là cái gì, cứ thấy hay hay và giá cả chấp nhận được là thử ngay. Thôi, mình cứ đi spa nhái cho đỡ nghiền chứ spa đúng nghĩa cho một suất massage body như vầy làm gì có giá dưới 50 USD” - cô bạn tôi an ủi.

 

“Spa” bằng hương liệu... hóa chất : tiền mất tật mang!

 

Nhiều người “sành” spa cho rằng thuật ngữ này bắt nguồn từ Nhật, đây là dịch vụ trọn gói giúp con người thư giãn (giảm stress) và làm đẹp từ thiên nhiên. Nguyên liệu chính sử dụng cho dịch vụ này phải có nguồn gốc thiên nhiên như thảo dược, thuốc bắc, nam. Một spa đạt tiêu chuẩn gắn kết được giữa con người với thiên nhiên, do vậy đòi hỏi phải có không gian rộng rãi, thoáng mát; ngoài máy móc thiết bị chuyên dùng như máy tạo thủy lực, ghế massage, phòng xông hơi...

 

Quan trọng hơn, người làm spa còn phải có kiến thức và am hiểu về spa để biết cách trị liệu cho khách. Spa thực thụ thường được chăm chút rất lỹ lưỡng ở các yếu tố thẩm mỹ (nghệ thuật thiết kế spa), tiện nghi, tay nghề nhân viên massage... để khi khách hàng vào spa có thể rũ bỏ được những căng thẳng trong cuộc sống.

 

Sau spa sẽ là...

 

Trong vòng 2 năm trở lại đây spa không chỉ phát triển nhanh chóng tại Sài gòn mà còn lan ra tới các quận huyện ngoại thành. Đã có khá nhiều tờ báo, tạp chí nói về spa cũng như các qui trình thư giãn tại spa, thậm chí có nơi còn gọi spa là một ''bước ngoặt'' trong ngành làm đẹp tại VN.

 

Các nhà đầu tư spa cho rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế VN sẽ giúp ngành công nghiệp spa phát triển tốt hơn. Đồng thời, khách du lịch cao cấp, doanh nhân nước ngoài, Việt kiều về VN ngày càng nhiều là mảnh đất màu mỡ cho spa cất cánh.

 

Nhớ lại cách đây 5 - 7 năm Sài Gòn rộ lên dịch vụ làm răng thẩm mỹ, hàng loạt phòng răng lớn đã ra đời phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người, nay lại rộ lên spa, vậy sau spa là gì?

 

Một nhà kinh doanh trong ngành thẩm mỹ dự báo, sẽ có làn sóng nail (neo - làm móng) cao cấp xuất hiện, dựa trên nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách Việt kiều.

 

Được biết, thuật ngữ “spa” không chỉ bị người làm dịch vụ lạm dụng mà cả nhà sản xuất cũng nhanh chóng “ăn theo”. Thử vào một quầy hoá mỹ phẩm tại các siêu thị hiện nay khách hàng sẽ không mấy khó khăn để tìm ra các sản phẩm sữa tắm spa, dưỡng thể spa: nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm chiết xuất từ tinh dầu hoa oải hương, hoa đinh lan giúp thư giãn, xả stress như spa tại nhà.

 

Bao nhiêu phần trăm hương liệu thiên nhiên trong các sản phẩm này, hay chỉ là hóa chất- chỉ có trời mới biết! Vì loại sản phẩm này đâu có ai kiểm soát chất lượng cũng như quảng cáo!

 

Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm khác ra đời dựa trên “phong trào” spa như nến thơm, cánh hoa sấy khô, thảo dược... và được bày bán ở nhiều cửa hàng mỹ phẩm, thẩm mỹ viện.

Thế nhưng, “cuộc chơi” này cũng lắm chiêu bất ngờ! Chị Mai Loan (Q.10), một người dày dạn kinh nghiệm đi spa cũng cho biết thêm, thay vì dùng hương thơm tự nhiên từ cây cỏ, thảo dược như xả, gừng, nghệ tươi nhiều spa bình dân dùng hương liệu có sẵn được “tậu” về từ chợ hoá chất Kim Biên để lừa khứu giác khách hàng, chiêu này khách hàng rất khó phân biệt.

 

“Nhà nhà spa, người người spa" - Ai kiểm soát chất lượng!?

 

Thật tình mà nói tôi đồng ý đi spa với cô bạn vì... tò mò. Không tò mò sao được, khi hằng ngày trên các tạp chí đầy rẫy những quảng cáo về spa. Trên đường phố cũng nhan nhản biển hiệu spa, thậm chí các tiệm uốn cắt tóc bây giờ cũng có thêm dịch vụ spa.

 

Khảo sát sơ qua một số điểm có biển hiệu spa trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Võ Thị Sáu (Q.3), Điện Biên Phủ (Q.1), Khánh Hội (Q.4)... mới thấy hết sự đa dạng của dịch vụ trên, giá nào cũng có: từ 150 - 500.000 đồng/xuất.

 

Những người am hiểu về spa cho hay, tại VN hiện có không quá 20 spa đạt tiêu chuẩn, trong đó một số nằm trong các khách sạn 5 sao và resort.

 

Chị Hoài Anh, chủ nhân của hệ thống gồm 8 Qi Spa, một trong những điểm spa đầu tiên tại VN từ những năm 2000 cho hay: “VN đang dấy lên phong trào spa, nhiều người sẵn tiền và thấy người khác mở spa được cũng nhảy vào kinh doanh, do vậy dịch vụ spa bây giờ khá bát nháo”.

 

Theo một người đang kinh doanh trong ngành massage, để mở một cơ sở massage thì xin giấy phép rất khó khăn vì đây là ngành nghề nhạy cảm, do vậy nhiều nơi đã lách qui định bằng cách mở spa (trung tâm chăm sóc sắc đẹp). Hơn nữa, spa thật thì giá dịch vụ quá cao (60 - 100 USD/xuất), chưa kể khách hàng phải đóng thêm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (khoảng 35%), trong khi đó spa bình dân thì giá cả “cỡ nào cũng chiều” nên có đất sống.

 

Spa: không dành cho giới bình dân!

 

Nếu không tính đến các spa “nhái”, spa “ăn theo” thì để tham gia vào sân chơi spa chỉ có thể là các “đại gia” - cả người kinh doanh lẫn người dùng dịch vụ.

 

Theo chị Hoài Anh, đầu tư một spa hạng trung (chừng 8-10 phòng) ít nhất phải là từ 400 - 500 ngàn USD/spa, spa có 17 công đoạn chăm sóc trở lên thì cần cả triệu USD và chỉ riêng tiền dùng cho phần thiết kế có thể ngốn của chủ đầu tư vài chục ngàn USD.

 

Một nhân viên làm việc tại Andy Spa (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) cũng cho hay: “Công đoạn chăm sóc một khách hàng rất công phu, tùy từng nhu cầu mà tụi em tư vấn dịch vụ sử dụng như trị liệu căn bản, trị liệu chuyên sâu hay thư giãn bằng đá nóng, giảm stress bằng gừng tươi... Trong quá trình trị liệu tụi em không được nói chuyện nhiều vì để cho khách hàng nghỉ ngơi, nhân viên massage giỏi là phải đọc được ý nghĩ của khách hàng và đáp ứng đúng nhu cầu”.

 

Chị Hoài Anh nhận định thêm, khách hàng đến spa hầu hết là những người sành điệu, thích chăm chút bản thân và am hiểu về dịch vụ. Ngoài ra, vấn đề tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ, một khách hàng sẵn sàng chi cả trăm USD/giờ hưởng thụ tại spa. Ước tính trung bình một khách hàng phải chi từ 300 - 400 USD/tháng (4 lần trị liệu) cho dịch vụ chăm sóc da và sức khoẻ tại spa.

 

Tôi chợt nhớ đến lần đi chăm sóc da tại một spa trên đường Đồng Khởi (Q.1) trước đây, chuyên viên tư vấn cũng khuyên tôi nên dùng dịch vụ mỗi tuần/lần thì việc trị liệu mới có hiệu quả, tôi nhẩm tính ra mỗi tháng chỉ riêng làn da đã “ăn đứt” hơn 1 tháng lương nên đành ngậm ngùi chia tay giấc mơ xa hoa này. 

 

Nguyễn Sa

Theo Netmode