Sơn La: Dịch viêm não Nhật Bản phức tạp, tăng cường tiêm vắc xin
(Dân trí) - Nhận định dịch viêm não còn diễn biến phức tạp sau kiểm tra hội chứng viêm não tại Sơn La, Bộ Y tế quyết định mở rộng độ tuổi tiêm chủng miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản tại địa phương này.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã trao đổi với báo giới chiều 6/8 về thực trạng diễn biến dịch viêm não, màng não tại Sơn La. Ảnh: H.Hải
Số ca viêm não Nhật Bản B cao nhất nước
Thưa ông, đến nay số mắc, tử vong tại Sơn La vì hội chứng viêm não, viêm màng não là như thế nào? Có thông tin cho rằng các ca tử vong tại đây đều mắc viêm não Nhật Bản B?
Tại Sơn La vừa qua đã xảy ra vụ dịch được các nhà chuyên môn xác nhận là hội chứng viêm não, màng não. Theo đó từ tháng 6 đến nay, tại địa phương này xác định trên 100 trường hợp viêm não, xét nghiệm xác định 31 trường hợp viêm não Nhật Bản B. Đến nay có 13 trường hợp tử vong do hội chứng viêm não, màng não nhưng kết quả xét nghiệm khẳng định không có ca nào tử vong vì viêm não Nhật Bản B. Các ca viêm não Nhật Bản B chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi.
Tuy nhiên địa phương này dẫn đầu cả nước về số ca mắc viêm não Nhật Bản B, sau đó là Hà Nội. (Cả nước ghi nhận 81 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó Sơn La 31 trường hợp, Hà Nội 20 trường hợp).
Được biết vừa qua ông đã trực tiếp thực tế kiểm tra dịch viêm não, màng não tại địa phương này, ông đưa ra nhận định như thế nào về diễn biến dịch? Nguyên nhân do đâu tại địa phương này lại bùng phát dịch viêm não, thưa ông?
Hiện nay, dù số ca mắc viêm não có giảm, nhưng chúng tôi cho rằng diễn biến viêm não Nhật Bản B, hội chứng não, màng não ở Sơn La sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, Bộ Y tế chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống tích cực, từ vệ sinh môi trường, tiêm chủng đến nhiều hoạt động chuyên môn khác nữa. Trước diễn biến dịch như vậy, Bộ Y tế quyết định hỗ trợ Sơn La mở rộng đối tượng tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B.
Về bệnh viêm não Nhật Bản, năm 2007 Sơn La mới triển khai tiêm vắc xin trong diện hẹp, chỉ tiêm tại một huyện. Đến 2008 thêm một huyện nữa được triển khai và bắt đầu từ năm 2012 Sơn La phủ rộng diện tiêm cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại tất cả các huyện. Tỉ lệ tiêm chủng tại Sơn La mũi 1 - 2 khá cao, nhưng mũi 3 thấp. Vì thế, Bộ Y tế quyết định sẽ tiêm tiếp cho các đối tượng trẻ em tại Sơn La đảm bảo phủ ít nhất 95% số trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản B. Khi số trẻ tiêm vắc xin được bao phủ, dịch bệnh sẽ giảm xuống.
Thưa ông, cụ thể những đối tượng nào sẽ được tiêm miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản tại địa phương này?
Trước đây, chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ cung cấp vắc xin viêm não Nhật Bản B từ 1 - 5 tuổi. Tuy nhiên trước bối cảnh như hiện nay, Bộ Y tế quyết định mở rộng đối tượng tiêm chủng vắc xin này.
Theo đó, tại 2 huyện có số mắc viêm não Nhật Bản B cao nhất sẽ triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 1 - 15 tuổi. Tại các huyện còn lại trẻ từ 1 - 10 tuổi được tiêm miễn phí.
Vắc xin viêm não Nhật Bản tiêm không đủ liều có tác dụng phòng bệnh? Hiện tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) đang điều trị cho bệnh nhi Phàng Vạng Trông (5 tuổi, Phù Yên, Sơn La) bị viêm não Nhật Bản B. Bố của bệnh nhi là anh Phàng A Dê cho biết, con anh mới chỉ tiêm một mũi vắc xin viêm não Nhật Bản B. Bệnh nhi này đã tiêm một mũi vắc xin viêm não Nhật Bản B nhưng vẫn mắc bệnh. Ảnh: H.Hải Theo anh Phàng A Dê, anh làm y tế thôn bản đã 7 năm nay, thường xuyên làm công tác tuyên truyền bà con trong bản đi tiêm vắc xin, nhưng anh không nhớ nổi vì sao bé nhà mình lại mới được tiêm một mũi vắc xin viêm não Nhật Bản B và điều không may mắn đã xảy ra, bé bị sốt cao, đau đầu không rõ nguyên nhân và khi được chuyển vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, kết quả xét nghiệm đã khẳng định bé bị viêm não Nhật Bản B, nguy cơ để lại di chứng thần kinh rất lớn. "Tôi cũng nhớ không rõ vì sao con chỉ được tiêm một mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Tôi rất ân hận nếu không may con có vấn đề gì. Rút kinh nghiệm, tôi đã đưa hai chị gái của cháu đi tiêm phòng đầy đủ", anh Phàng A Dê buồn bã nói. Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, thông thường với các vắc xin khác chỉ cần tiêm một mũi là đã có hiệu lực bảo vệ trẻ (dù thấp); vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thì ngược lại. Nếu chỉ tiêm một mũi vắc xin thì hiệu lực bảo vệ rất thấp, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Trong khi đó, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo cha mẹ tuân thủ lịch tiêm chủng như sau: Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng. - Mũi 1: Lúc trẻ đủ 1 tuổi; - Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; - Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng các các mũi cũng tương tự như trên. |
Hồng Hải (ghi)