Sỏi túi mật do tức giận mà ra
Một bản tin mới đây trên tạp chí Natur & Medizin (Đức) cho biết không dưới 3% dân số bên đó đang giữ những viên sỏi “làm tin” trong túi mật. Bên mình chắc khó mà ít hơn khi viêm gan, viêm túi mật, bệnh hoại huyết, rối loạn biến dưỡng chất béo... không hề thua xứ người.
Kẹt một nỗi, cũng theo bài báo, không hơn 1/5 nạn nhân có triệu chứng báo động, số còn lại thì bệnh mà không biết trừ khi tình cờ khám một bệnh khác. Sỏi túi mật nhờ đó âm thầm tăng kích cỡ.
Nhưng nếu tưởng sỏi túi mật thành hình do hậu quả của viêm tấy đường dẫn mật hay vì rối loạn biến dưỡng khiến mật tích tụ trong túi mật thì nhầm. Chuyên gia bệnh gan mật ở Đức, sau khi đúc kết dữ liệu thống kê của công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm với cả ngàn đối tượng, đã quả quyết là không dưới 40% trường hợp sỏi túi mật là do gia chủ có điều gì bực tức nhưng nói không được.
Người ta cũng ghi nhận sỏi túi mật được hình thành rất nhanh ở người gặp chuyện phẫn uất oan uổng trong nghề nghiệp, gia đình... nhưng không có cơ hội giãi bày, trong khi nạn nhân không hề có bệnh trên trục gan mật hay gặp rối loạn biến dưỡng trong suốt thời gian theo dõi.
Tình trạng tức mà không dám nói, giận (kể cả giận vợ) mà nói không xong là lý do gây rối loạn co thắt cơ vòng của ống dẫn mật khiến mật thay vì xuống ruột lại đọng lâu hơn trong túi mật. Tình trạng “kẹt xe” trong túi mật tuy không đủ để gây cơn đau khiến gia chủ phải gõ cửa thầy thuốc nhưng lại là điều kiện thuận tiện để mật vừa quay lại tấn công ngay niêm mạc túi mật tạo điểm trầy xước vừa giúp tạp chất trong mật có cơ hội bám vào đó để kết tủa. Sỏi túi mật khi đó, bất chiến tự nhiên thành”.
Ở thành phố cảng Hamburg, người dân tếu táo rằng có anh chàng quản lý nghĩa địa xe phế thải làm giàu được nhờ hiểu chỗ nhược của những người không tìm ra lối thoát trong cảnh trên đe dưới búa. Anh này kiếm tiền bằng cách bán vé tính giờ cho người vào bãi xe tha hồ đập phá, chửi rủa cho hả cơn giận.
Ấy vậy mà dịch vụ này lại đắt khách. Dù chưa ai thống kê được nhưng chắc chắn đã có không ít người nhờ tốn một ít tiền chỉ để đập xe cũ, chửi xe hư cho bõ ghét, không ngờ lại đỡ được khoản tiền lý ra phải đưa cho thầy thuốc để mổ sỏi túi mật.
Tiền nhân cũng đã báo động là hễ “giận căm gan” khó tránh “tức cành hông”. Biết vậy nên liệu mà tìm cách “xả xú páp” cho sớm, đừng để bụng quá lâu mà rồi có ngày phải... mổ bụng.
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Người lao động