Sốc với hình thù siêu kì dị của viên sỏi bàng quang
(Dân trí) - Giống như một vật thể kì lạ nào đó tìm thấy trên mặt trăng nhưng thực ra nó lại là một viên sỏi bàng quang, hình thành khi bàng quang bị ứ đọng nước tiểu.
Hòn sỏi có kích thước 4x4cm này được lấy ra từ 1 bệnh nhân nam 63 tuổi.
Sỏi thường gặp ở nam giới bị phì tuyến tiền liệt (không rõ nguyên nhân) và khi đó sỏi sẽ hình thành dưới những hình dạng kỳ dị như hình dưới đây. Cần nhớ phì đại tuyến tiền liệt là bình thường ở người trên 50 tuổi, nó là kết quả của quá trình thay đổi hoóc môn.
Mặt khác, nam giới cũng thường bị sỏi này khi bàng quang bị ứ đọng nước tiểu. Khi nước tiểu bị ứ đọng, theo thời gian, các khoáng chất sẽ lắng lại và kết thành khối.
Trong khi một số nam giới không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện qua chụp X-quang hay siêu âm thì những người khác lại xuất hiện triệu chứng đau có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hay khó tiểu.
Sỏi bàng quang nhỏ hơn 1cm có thể ra khỏi cơ thể qua đường tiểu nhưng lớn hơn thì cần phẫu thuật.
Bức ảnh này đăng tải trên website của 1 bác sĩ, người luôn muốn chia sẻ những hình ảnh y học với đồng nghiệp và các sinh viên.
Bức ảnh này do BS Oktay Ozman, chuyên gia tiết niệu của TT Y khoa Cerrahpaşa (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chụp).
BS này giải thích rằng bệnh nhân đã đến gặp ông vì bị đau ở dương vật và nước tiểu có máu (do các gai của sỏi làm tổn thương thành bàng quang).
"Rất khó để nói viên sỏi này đã hình thành trong bao lâu. Nó rất lớn nhưng tôi cũng đã từng thấy những viên sỏi 7cm", BS Ozman nói.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy sỏi và tặng lại bác sĩ viên sỏi này.
“Đây là một trong những viên sỏi đẹp nhất tôi từng thấy”, BS Ozman nói.
Sau 1 năm phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân rất tốt.
Tin xấu với bệnh nhân này là có ông có khả năng bị tái sỏi - nằm trong số 95% trường hợp tái sỏi, theo tạp chí Obstetrics and Gynaecology.
Nghiên cứu chỉ ra rằng để ngăn ngừa sỏi bàng quang, cần uống nhiều nước. Đi tiểu ở tư thế ngồi xổm sẽ giúp làm sạch bàng quang hiệu quả hơn.
Nhân Hà
Theo DM