Sốc phản vệ do dị ứng thức ăn

Bệnh viện Nhi TƯ mới cứu sống bệnh nhân bị suy thở, tính mạng nguy kịch nghi do sốc phản vệ với thức ăn. Khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị dị ứng thức ăn nhưng cha mẹ không biết để tránh.

 TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, bệnh nhân Nguyễn Duy H., 14 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy thở. Được biết sau bữa cơm trưa với nhiều loại thức ăn (thịt gà, thịt lợn, măng tươi), khi H. tiếp tục ăn mít thì xuất hiện nổi mẩn ngứa trên da, sưng nóng môi, mắt mờ. Ban mẩn ngứa xuất hiện và lan nhanh toàn thân kèm theo trẻ chóng mặt, buồn nôn và đi ngoài nhiều lần.

 

Bệnh nhân được sơ cứu tại nhà rồi chuyển đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, H. li bì dần, xuất hiện khó thở, tím tái, tụt huyết áp phải đặt ống nội khí quản bóp bóng hỗ trợ hô hấp và dùng các thuốc vận mạch, đồng thời vừa cấp cứu vừa chuyển đến Bệnh viện Nhi TƯ.

 

Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, có thể xác định được nguy cơ dị ứng của trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Bác sĩ Hương cho biết, nếu cả hai bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50-80% con nguy cơ mắc; nếu một trong hai bố mẹ bị dị ứng thì khoảng 20-40% con có nguy cơ bị, và ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng vẫn có 5-15 % trẻ nguy cơ mắc bệnh.

Tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi TƯ) các bác sĩ chẩn đoán bệnh em H. bị sốc phản vệ do thức ăn. Bác sĩ sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy đảm bảo duy trì các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau 4 ngày điều trị tích cực, H. đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tỉnh, tự thở có oxy hỗ trợ, mạch và huyết áp trở lại mức tương đối bình thường. Hiện tại, H. đang được điều trị tại khoa Miễn dịch- dị ứng lâm sàng.

 

TS Lê Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp cho biết, sốc phản vệ là một hội chứng cấp tính, có nguy cơ tiềm tàng đe dọa tính mạng với biểu hiện toàn thân, đặc trưng gồm suy thở hoặc suy tuần hoàn hoặc cả hai.

 

Chị Minh Ngọc (Cầu Diễn, Hà Nội) có con trai 8 tháng tuổi phải vào viện liên tục vì suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài. Bé đã được xét nghiệm rất nhiều lần mà không tìm thấy vi khuẩn, virus hoặc nấm trong phân. Trẻ vẫn rối loạn tiêu hóa dù được điều trị bằng các loại men tiêu hóa, tư vấn chế độ ăn uống, bổ sung yếu tố vi lượng. Cuối cùng, bác sĩ Khoa Miễn dịch- dị ứng - khớp đã làm test da mới biết cháu dị ứng sữa bò.

 

Bác sĩ Hương vẫn nhớ trường hợp bệnh nhi Nguyễn Trung Hiếu (10 tháng tuổi, ở phố Ngọc Khánh, Hà Nội) sau khi ăn bột tôm 2 tiếng bỗng da mặt nổi ban đỏ và ngứa, mí mắt phù lên. Các nốt ban đỏ lan xuống thân bé rất nhanh gây khó chịu, quấy khóc, ho, khản tiếng. Hiếu được đưa đến viện và được chẩn đoán là mề đay cấp, viêm thanh quản cấp, theo dõi dị ứng thức ăn.

 

Trẻ dưới 3 tuổi dễ dị ứng thức ăn

Trẻ dưới 3 tuổi dễ dị ứng thức ăn

 

Theo bác sĩ Hương, dị ứng thức ăn có tỷ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi, và những thực phẩm hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, đậu nành, các loại hạt và cá. Nguyên nhân dị ứng là do hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ còn non yếu. Ban đỏ, viêm da, mày đay, chàm, đau bụng và rối loạn tiêu hóa là những triệu chứng thường xuất hiện trong các phản ứng dị ứng thức ăn. Một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao.

 

Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với các thứ đó. Nhiều khi phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ. Những trẻ bị dị ứng thức ăn khi nhỏ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng khác trong suốt cuộc đời, như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc hen phế quản.

 

Bác sĩ Điển khuyến cáo, khi cho trẻ ăn những thức ăn có nhiều nguy cơ gây dị ứng, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như: mẩn ngứa, chóng mặt, buồn nôn, khó thở cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.

 

Theo Thái Hà

Tiền phong