Sốc: Bé gái 10 tuổi bất ngờ đột quỵ, xuất huyết não trong giờ học

(Dân trí) - Đang đi học bình thường, bé gái 10 tuổi quê ở Hậu Giang bất ngờ bị xuất huyết não với các triệu chứng như đứng không vững, nói không rõ, nôn ói…

Sốc: Bé gái 10 tuổi bất ngờ đột quỵ, xuất huyết não trong giờ học - 1
Các bác sĩ đang can thiệp nội mạch cứu sống bé N qua cơn nguy kịch

Ngày 10/06/2020, bé gái tên L.K.N, 10 tuổi, quê ở Hậu Giang được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế SIS Cần Thơ trong tình trạng xuất huyết não trong giai đoạn nguy cấp ảnh hưởng đến tính mạng.

Mẹ bé N cho biết, trước khi bị đột quỵ bé N đang đi học bình nhưng đột ngột có những biểu hiện như đau đầu dữ dội và ói. Cô giáo ngay lập tức gọi cho phụ huynh đến đón bé về, lúc đến đón mặt bé bắt đầu tái xanh, miệng nói không rõ từ, chân không đứng vững.

Ngay lập tức, bé N được người nhà đưa đến bệnh viện chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ tiến hành, thăm khám hội chẩn và chẩn đoán bé bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh, phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân lúc này là can thiệp nội mạch bằng công nghệ DSA.

Sau khi được can thiệp kịp thời, sức khỏe bé diễn tiến tốt, hiện bé tỉnh, da niêm hồng.

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc Bệnh viện cho biết, đột quỵ ở trẻ em phần lớn là xuất huyết não nguyên nhân  do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh và không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh. Khi xảy ra đột quỵ ở trẻ em, bác sĩ sẽ điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới.

Ngoài ra, sau can thiệp trẻ nhỏ bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào. Còn nếu mổ hở sẽ để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thậm chí là tổn thương tâm lý đến các bé còn nhỏ tuổi.

Bác sĩ Cường cũng khuyến cáo, khi trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh thì phải sớm cho trẻ đi tầm soát và để tầm soát tốt mạch máu não cho trẻ để kịp thời điều trị ngăn ngừa đột quỵ. Vì bệnh đột quỵ có thẻ xảy ra với cả trẻ ở độ tuổi như bé N chứ không đơn thuần là người lớn tuổi.

Phạm Tâm