Số trẻ Bắc Ninh nhiễm sán lợn tiếp tục gia tăng

(Dân trí) - Tính đến tối ngày 17/3, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thêm 58 trẻ dương tính với sán lợn. Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương thêm 27 trẻ. Sau sự việc phát hiện thịt lợn tại trường mầm non nghi nhiễm sán, khoảng 2000 trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã được gia đình đưa đi xét nghiệm với số ca dương tính là 209 trường hợp.

Tối 17/3, Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trong 500 mẫu được lấy ngày 16/3 có 58 trường hợp dương tính. Ngoài ra còn một số mẫu nghi ngờ sẽ được chạy lại xét nghiệm để khẳng định.

Trong ngày 17/3 dù là ngày chủ nhật nhưng BV vẫn tiếp nhận hơn 200 trẻ đến xét nghiệm tìm sán lợn.

Số trẻ Bắc Ninh nhiễm sán lợn tiếp tục gia tăng  - 1

Trẻ em từ Bắc Ninh được gia đình đưa lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghệm tìm sán lợn.

Còn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương đến tối 17/3 có thêm kết quả công bố tối 17-3, trong số 231 trẻ được xét nghiệm cùng ngày đã ghi nhận 27/231 mẫu dương tính với ấu trùng sán lợn.  

Như vậy, từ ngày 12/3 đến nay, trong số hơn 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được xét nghiệm sán lợn tại 2 cơ sở y tế nói trên đã ghi nhận 209 trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn.

Theo các bác sĩ, số trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn sẽ còn tiếp tục tăng lên vì nhiều trẻ vẫn đang chờ kết quả, ngoài ra một số trường hợp nghi ngờ các bác sĩ đã làm lại xét nghiệm để khẳng định chắc chắn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, sau buổi làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Ninh với các BV, tỉnh đã có phương án hỗ trợ người dân tại đây bằng việc lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện, người dân sẽ không còn phải tự lên Hà Nội đi làm xét nghiệm.

Tới đây Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương phối hợp cùng địa phương điều tra về môi trường cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

BS Thiều cho biết thêm, sán lợn không phải là bệnh cấp tính nên hầu hết bệnh nhi đến khám không biểu hiện dấu hiệu đặc biệt. Khi được xét nghiệm sán lợn, các cháu được điều trị theo phác đồ, đảm bảo tiêu diệt sán lợn.

Tuy nhiên để không bị nhiễm lại sán lợn, cần có chế độ ăn uống vệ sinh, ăn chín, uống sôi; không dùng phân tươi tưới rau, không ăn thịt lợn tái, sống, không ăn sống các loại rau thủy sinh.

Hồng Hải