1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế: Chưa có cơ sở khẳng định thịt lợn gạo gây sán lợn cho trẻ em Bắc Ninh

(Dân trí) - Chiều 19/3, làm việc tại Bắc Ninh về vụ hàng loạt trẻ em xét nghiệm dương tính với sán, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định thịt lợn gạo gây sán lợn cho trẻ em.

Bởi mẫu thịt không lưu để xét nghiệm, hơn nữa, trong trường hợp thịt có ấu trùng, trứng sán, nếu thực hiện ăn chín, uống chín, nguy cơ lây bệnh không còn. Ấu trùng, trứng sán nấu ở nhiệt độ 75 – 80 độ thì sán bất hoạt.

9.000 trẻ em tại 19 trường được xét nghiệm miễn phí

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với UBND tỉnh Bắc Ninh, đại diện UBND tỉnh cho biết, theo kế hoạch sẽ có 9.000 trẻ em là học sinh 19 cơ sở giáo dục kí hợp đồng cung cấp thực phẩm với công ty cung cấp thức ăn cho trường mầm non Thanh Khương được xét nghiệm.

“Trẻ em sẽ được lấy máu xét nghiệm miễn phí nếu gia đình có yêu cầu. Ngoài ra, trẻ cần điều trị sẽ được điều trị miễn phí. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban ngành có biện pháp phòng ngừa bệnh sán dây lợn và các bệnh khác có nguy cơ lây cho trẻ em. Đồng thời sẽ mở rộng điều tra dịch tễ học sán dây lợn trước hết địa bàn huyện Thuận Thành”, đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Có nhiều nguồn nhiễm sán, không riêng từ thịt lợn

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, có rất nhiều nguồn lây nhiễm sán lợn. Ngoài nguồn lây từ thực phẩm do ăn thịt, cá sống, rau sống, môi trường không đảm bảo, việc không đảm bảo vệ sinh cá nhân cũng có nguy cơ nhiễm sán.

“Sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ, rồi lại dùng tay bốc đồ ăn uống, chế biến thực phẩm  cũng có thể là nguồn lây nhiễm sán”, ông Phong cho biết.

Trong sự việc này, trẻ em ở Thuận Thành, Bắc Ninh xét nghiệm huyết thanh dương tính sán, nguồn lây không chỉ là thực phẩm ăn ở trường, mà có nhiều nguồn lây nhiễm sán nếu không đảm bảo vệ sinh, nước uống.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng nhiễm sán

Ông Phong tiếp tục phát biểu, phải làm rõ, phải chăng chỉ các cháu nhỏ ở Thuận Thành xét nghiệm máu dương tính với sán?

“Tôi khẳng định, không chỉ cháu nhỏ mà người lớn cũng có nguy cơ nhiễm sán. Số người nhiễm sán không chỉ ở Bắc Ninh mà đã có thống kê nhiều tỉnh thành ghi nhận có sán, giun, kí sinh trùng đường ruột”.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ, rất tiếc hôm nay đại diện của Tổ chức Y tế thế giới không thể tham dự do có cuộc họp quan trọng. Trước đó, khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã tham vấn thông tin từ đại diện Tổ chức Y tế thế giới, họ khẳng định “giun sán có ở mọi nơi”.

“Không những ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Thái Lan, Indonexia, nhiều nước có điều kiện kinh tế, khí hậu như chúng ta, việc tồn tại kí sinh trùng đường ruột trong đó có sán rất phổ biến. Như vậy, không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng có nguy cơ mắc. Không chỉ có ở Bắc Ninh mà có ở các địa phương khác, các nước khác. Nếu xét nghiệm, nhiều khả năng tôi cũng dương tính với sán”, ông Phong nói.

Xét nghiệm máu dương tính là đang nhiễm sán?

“Kết quả xét nghiệm dương tính có khẳng định trong người đang có giun sán không? Hai đồng chí lãnh đạo 2 viện là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương đã trả lời Bộ Y tế, trong trường hợp dương tính với sán khi xét nghiệm huyết thanh cũng không thể khẳng định lúc đó đang có kí sinh trùng sán trong cơ thể”, ông Phong thông tin.

Theo đó, việc xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào trong công tác chẩn đoán.

Huyết thanh dương tính sán có cần điều trị?

Ông Phong cho biết, theo phác đồ điều trị sán BYT ban hành 2004, kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với sán chưa có chỉ định điều trị.

Việc điều trị chỉ thực hiện khi bệnh nhân nhiễm sán trưởng thành, khi người bệnh có biểu hiện đi ngoài có đốt sán. Hoặc điều trị với những ấu trùng nổi hạch, vằn vện trên da.

Việc điều trị sán, ấu trùng sán cũng không khó khăn, không đắt đỏ. Chỉ điều trị 1 liều duy nhất, hoặc 2 tuần với ấu trùng sán biểu hiện nổi dưới da.

Cử bác sĩ BV Trung ương về theo dõi giám sát

Theo ông Phong, với các kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân dương tính với sán, với ghi chú “khám lại sau 1 – 2 tuần”, người dân không nhất thiết đưa con quay trở lại khám. “Chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo BYT cử cán bộ của các BV trong giai đoạn bệnh nhân chờ tái khám sẽ xuống trực tiếp trường, địa phương nơi trẻ sinh sống để cùng kiểm tra, giám sát, theo dõi.  Vì như đã nói, huyết thanh dương tính với sán chưa thể hiện chắc chắn cơ thể có ấu trùng, không có chỉ định điều trị.  Bác sĩ sẽ cùng kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, các cháu có xét nghiệm dương tính và có biểu hiện bệnh mới điều trị”, ông Phong cho biết.

Ông Phong cũng đề nghị với các cháu chưa có kết quả xét nghiệm, hoặc chưa xét nghiệm thì cán bộ y tế địa phương, cán bộ nhà trường theo dõi sức khỏe, theo dõi không riêng ấu trùng, kí sinh trùng đường ruột mà theo dõi chung sức khỏe các cháu, có bất kì biểu hiện nào không tốt điều rị, xử lý kịp thời.

Đặc biệt ông Phong nhấn mạnh cần tuyên truyền để người dân ăn chín uống chín, vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước ăn, sau đi vệ sinh. Đây là những biện pháp dễ làm, dễ thực hiện để phòng ngừa các kí sinh trùng đường ruột trong đó có giun sán.

Theo báo cáo của Công an huyện Thuận Thành, một chủ tài khoản facebook mang tên công nông đầu dọc tự ý phát tán thông tin bệnh sán, đưa trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận xã hội. Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, Ban tuyên giáo, Bộ Thông tin truyền thông xử lý nghiêm. “Chúng ta không bao biện, nhưng không cho phép làm hoang mang cộng đồng vì những thông tin này. Việc đưa thông tin gây hoang mang dư luận cũng là hành vi vi phạm quy định pháp luật”, ông Phong nói.

Hồng Hải