1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phòng chống Tai nạn thương tích trẻ em:

Số lượng át chất lượng?

(Dân trí) - Mặc dù được nhận không ít trợ về tài chính từ các dự án Quốc tế, nhưng trên thực tế Hà Nội chưa triển khai được mô hình mũi nhọn nào trong công tác Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Thậm chí nhiều vấn đề cấp thiết đang bị lãng quên.

Mô hình chỉ nằm trên giấy

Tại buổi làm việc giữa Ban Văn Hoá Xã Hội - Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội với Sở Y tế Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBDSGĐ&TE Hà Nội thẳng thắn nhận xét: "Mặc dù Y tế Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động trong công tác phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) trong nhà trường và ngoài xã hội nhưng phần lớn đều dàn trải, chưa có mô hình nào được đánh giá là sắc nhọn, đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, rất nhiều mô hình hoạt động dù được đầu tư không nhỏ nhưng khi đưa vào cộng đồng vẫn chỉ đơn thuần nằm trên tờ rơi hay áp phích cổ động. Cụ thể như mô hình Ngôi nhà an toàn - Một số biện pháp phòng ngừa TNTT, với gần chục vấn đề về những tai nạn dễ xảy ra tại nhà như: điện giật, đuối nước, hóc, bỏng, gia súc cắn…Tất cả đều rất thiết thực và sát với thực thế.

Tuy nhiên, ngoài những cảnh báo được in bằng văn bản, tuyệt nhiên không thấy Ban tổ chức xây dựng mô hình thực tế dù chỉ bằng nhựa, hay gỗ để đối tượng tuyên truyền tham khảo. Ổ cắm dạng nào, thiết kế ở độ cao bao nhiêu để không gây nguy hiểm cho trẻ, bếp nấu và các thiết bị điện nào tiềm ẩn tai họa, cần phải để ở đâu cùng vô vàn thắc mắc sau đó cũng bị bỏ lửng!

Còn theo đại biểu Phạm Thị Thành, công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em - một vấn đề vô cùng nóng bỏng và cấp thiết cũng không được quan tâm chú ý nhiều. Theo báo cáo, riêng trong 9 tháng đầu năm 2007 đã có 9 trẻ dưới 16 tuổi bị chết do đuối nước. Đây cũng là loại TNTT hay gặp nhất ở trẻ em. 

Công tác phòng chống tai nạn vẫn quá dàn trải. Đặc biệt vấn đề sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ gặp nạn rất yếu kém nên phần lớn đều tử vong.

Vấn đến bạo hành ở trẻ em cũng vậy, theo phản ánh của báo chí, ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ em ở gia đình và nhà trường bị tố cáo. Ngay trực thuộc thành phố đã có đến 3 đứa trẻ ở bị chết do bạo hành. Thế nhưng trong báo cáo tổng kết do Sở Y tế đưa ra thì vấn đề này không hề được nhắc tới!

“Vấn đề lao động trẻ em dưới 15 tuổi bị ngược đãi ở đâu, như thế nào, có bao nhiêu trường hợp đã từng xảy ra cũng chưa thấy có ở báo cáo”, bà Thành băn khoăn.

Nhiều vấn đề bị bỏ ngỏ

Giải thích về vấn đề tai nạn đuối nước của trẻ em thành phố, đại diện UB Chăm sóc thanh thiếu niên nhi đồng thừa nhận: Mặc dù đây là loại tai nạn gây tử vong nhiều nhất nhưng cho đến nay mọi hướng khắc phục vẫn còn rất chậm và kém hiệu quả.

Gần đây, UB này đã liên hệ với Sở Thể dục Thể thao Hà Nội nhằm triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ tại các trường học. Thế nhưng ngoài vấn đề thiếu trầm trọng giáo viên, chương trình cũng bị các trường học thẳng thừng từ chối (kể cả trường có sẵn bể bơi). Lý do là đơn vị nào cũng sợ nhỡ có tai nạn xảy ra thì… mang tiếng. Vậy là chương trình phá sản!

Trong khi đó, vấn đề quản lý các khu vực nguy hiểm như hồ, ao thì phần lớn đã được giao cho tư nhân. Tuy nhiên, biện pháp quản lý đưa ra chỉ dừng lại ở một vài chiếc biển nhoè nhoẹt, bé cỏn con.

Vấn đề cấp cứu khi có tai nạn ngã nước cũng thực sự yếu kém. Do đội ngũ bác sĩ, y tá đóng ở các phường quá mỏng, lại không được huấn luyện chuyên sâu về kỹ thuật cấp cứu, nên khi gặp kiểu tai nạn này đã có rất nhiều ca tử vong xảy ra.

Về vấn đề bạo hành ở trẻ em, theo ông Hùng, gần đây UBDSGĐ&TE mới nhận được thông báo về cái chết của 3 trẻ em ở địa bàn xã Đông Anh. Tuy nhiên vấn đề này do khối Công an phụ trách nên sự liên kết về số liệu để báo cáo chưa có.

“Đối với vấn đề thương tích ở trẻ em, chúng tôi cũng rơi vào tình trạng khó kiểm soát. Với những trường hợp trẻ bị thương tích do gặp tai nạn tại gia đình thì còn có thể nắm được vì trẻ được đưa ra trạm xá để cấp cứu hoặc sơ cứu và xin thuốc. Nhưng đối với thương tích xảy ra tại những địa điểm dịch vụ tư nhân (nhà trẻ tư thục) thì …chịu. Có rất nhiều địa điểm trông trẻ tư nhân không phép vẫn hoạt động từ rất lâu nay mà không thể kiểm soát nổi”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, vấn đề kiểm soát nhà trẻ tư nhân hiện đang rất nan giải. Ví dụ, chỉ riêng tại phường Phương Mai, qua kiểm tra sơ bộ đã phát hiện 5/7 nhà trẻ tư nhân đóng trên địa bàn phường không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động từ rất lâu. Khi hỏi đến trách nhiệm của chính quyền sở tại thì không ai đứng lên nhận trách nhiệm bởi: “Cán bộ quản lý chỉ chịu trách nhiệm đối với những địa điểm trường đã được cấp phép!”. Chính vì vậy, vấn đề TNTT xảy ra ở trẻ em ở những địa điểm trên quả thực rất đáng lo ngại nhưng chưa có cách giải quyết.

Về vấn đề lao động trẻ em dưới 15 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Tằng, Sở Lao động Thương binh Xã hội phản ánh: Theo quy định thì phải đăng ký. Luật thì quy định là vậy nhưng trên thực tế người sử dụng lao động kiểu này dù có muốn đăng ký thì cũng không biết phải đến đâu, gặp ai viết ở mẫu tờ khai nào.

Cũng vì những quy định kiểu “có đầu nhưng không có cuối” nên ai đó nếu có đặt ra câu hỏi cụ thể: hiện Hà Nội có bao nhiêu trẻ em dưới 15 tuổi đang làm thuê, các em đang làm công việc gì, được đối xử ra sao thì rất khó tìm được câu trả lời chính xác.

P. Thanh