Sơ cứu khi bị điện giật
(Dân trí) - Điện giật có thể gây ngừng thở, ngừng tim, tử vong đột ngột, nên thời gian cấp cứu nạn nhân tại chỗ trong 5 phút đầu được coi là vàng.
Nguyên nhân bị điện giật
Tai nạn điện giật thường xảy ra đột ngột, do vô tình hoặc không nắm vững những nguyên tắc đề phòng tai nạn khi tiếp xúc với điện, hậu quả là nạn nhân có thể bị bỏng ở các mức độ khác nhau, thậm chí tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do cơ thể người tiếp xúc với hai cực của nguồn điện. Thông thường, chân người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với đất được coi là một cực, cực còn lại là một bộ phận bất kỳ nào đó của cơ thể tiếp xúc với nguồn điện.
Dòng điện xoay chiều có đặc điểm kích thích mạnh mẽ và liên tục đối với hệ thần kinh và cơ. Nhóm cơ khép và gấp co mạnh hơn nhóm cơ duỗi, nên nạn nhân càng có xu hướng dính chặt vào nguồn điện mà không thể dứt ra được, mặc dù ban đầu vẫn còn biết mình đang bị nạn nhưng không thể điều khiển được các cơ duỗi ra.
Những tổn thương do điện giật
Nếu dòng điện tác động thẳng tới lồng ngực làm co cứng các cơ hô hấp, hoặc kích thích thần kinh điều khiển chức năng hô hấp ở một vị trí nào đó, áp lực không khí trong phổi tăng lên đột ngột, các phế nang bị vỡ, tổ chức kẽ nhu mô phổi bị phù nề và xung huyết, nạn nhân có thể tử vong do ngạt thở.
Nếu dòng điện tác động vào cơ tim hoặc thần kinh điều khiển hệ tuần hoàn, gây ra tình trạng rung thất, ngừng tim thì tâm trương, nạn nhân có thể tử vong đột ngột mà chưa có biểu hiện tổn thương ở các tạng khác. Đường đi của dòng điện theo kiểu tay trái - chân phải, sẽ rất nguy hiểm vì dòng điện trực tiếp đi qua tim.
Điện giật có thể gây ra tình trạng bỏng hết sức nguy hiểm cho nạn nhân. Khi dòng điện đi qua cơ thể sẽ xuất hiện bỏng ở nhiều vị trí với nhiều mức độ khác nhau. Xương có điện trở cao, khoảng 50Ω nên mức độ bỏng ở xương rất nặng, khó chẩn đoán và khó tiên lượng. Dòng điện cao thế thường gây bỏng sâu và rộng, kèm theo bỏng do phóng tia lửa điện. Dòng điện hạ thế gây bỏng sâu và hẹp, mức độ nhẹ hơn bỏng điện cao thế.
Bỏng điện có thể gây hoại tử và chảy máu thứ phát, bởi vì khi dòng điện đi qua tế bào sẽ gây ra hiện tượng đục lỗ màng tế bào, đồng thời làm rối loạn chuyển hoá các chất trong và ngoài màng tế bào. Chảy máu và hoại tử có thể gây nên hội chứng chèn ép khoang, cần phải phẫu thuật cấp cứu giải phóng chèn ép để tránh hoại tử chi.
Cấp cứu nạn nhân bị điện giật
Khi nạn nhân bị điện giật ngừng thở, ngay lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ, cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.
Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng. Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục 2 hơi đối với người lớn, một hơi đối với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp.
Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt từ 20 đến 30 lần. Trẻ sơ sinh hiếm khi bị điện giật, nếu có ngừng thở, phải thổi ngạt từ 30 đến 60 lần một phút.
Khi có ngừng tim, ngay lập tức phải tiến hành cấp cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực. Ngừng tim trong vòng 1 phút, khả năng cứu sống có thể tới 95%. Ngừng tim sau 5 phút, khả năng cứu sống chỉ còn 1%, và sẽ để lại di chứng thần kinh rất nặng nề vì tế bào não sẽ bị chết sau 5 phút thiếu Ôxy.
Người tiến hành ép tim ngồi bên trái nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng từ 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra.
Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần mỗi phút.
Nếu phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 5 lần ép tim lại thổi ngạt một lần, ngoại trừ trẻ sơ sinh là 3 lần ép tim thổi ngạt một lần.
BS Trần Văn Phúc
BV Xanh Pôn