Sơ cứu bỏng – Đừng chết vì thiếu hiểu biết

(Dân trí) – “Mới đây, anh Nguyễn Văn T bị bỏng điện đã ngừng tim, ngừng thở trong quá trình đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân này tử vong là do sốc bỏng, nếu được sơ cứu phòng chống sốc trước khi chuyển lên tuyến trung ương sẽ giảm được nguy cơ tử vong” – TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia cho biết.

Những câu chuyện đau lòng

 

Theo TS Lượng, có một thực tế, có đến 2/3 trường hợp bị bỏng có xử trí ban đầu sai trước khi được đưa đến bệnh viện.

Khi người nhà bị bỏng, họ vội vàng chạy đi tìm hết thuốc này thuốc kia, kéo dài thời gian mà lại không hiệu quả. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn dùng những “mẹo” chữa bỏng kinh hoàng, đó là bôi đủ thứ “tả phí lù” lên vết bỏng, từ kem đánh răng, mỡ trăn, nhựa chuối, bùn ao, vôi bột, có trường hợp xát cả muối hột vào vết bỏng… mà không lường được nguy cơ xấu sẽ xảy ra.

 

Điển hình cho chữa bỏng bằng “mẹo” dân gian này là cái chết thương tâm của cháu V (Nghệ An). V bị cả phích nước nóng đổ vào người. Vừa nghe con khóc thét lên, gia đình vội vàng ôm bé chạy… xuống bếp để nhúng cả người cháu vào vại nước muối cà. Khi được chuyển tới viện, bé đã bị tử vong do sốc bỏng.

 

80% bệnh nhân bỏng là người nghèo, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đó cũng là một phần lý do khiến những ca tử vong do xử trí bỏng ban đầu không đúng tăng lên. Tuy nhiên, không chỉ người nông dân, mà ngay cả những người có học thức cũng thiếu những kiến thức sơ đẳng nhất về sơ cứu bỏng.

 

TS Lượng cho biết, Viện bỏng tiếp nhận một bệnh nhân nhỏ tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội. Khi đưa đến bệnh viện, người cháu… sặc mùi nước mắm, trong khi bố mẹ của cháu bé đều là những người có trình độ, người là tiến sĩ, người là thạc sĩ.

 

Đặc biệt với những trường hợp bị bỏng điện càng thương tâm hơn. Đa số không được sơ cứu đúng nên hậu quả rất nặng nề. Thông thường, nạn nhân được bế xốc ngay tới bệnh viện khi vừa tách khỏi nguồn điện. Kết quả là tim ngừng đập, ngừng thở, sau 5 phút thì mất não hoàn toàn, nếu có cứu được thì cũng chỉ sống thực vật.

 

Không chỉ người dân có những sai lầm trong sơ cứu bỏng, mà thực tế là ngay cả các nhân viên y tế tuyến dưới, do không được đào tạo bài bản, chỉ được đào tạo rất ít về bỏng nên cũng tỏ ra rất lúng túng, không biết xử lý như thế nào. Điển hình là tình trạng chuyển bệnh nhân khi họ đang bị sốc bỏng nặng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân được chuyển đến Viện bỏng quốc gia thì đã ngừng tim, ngừng thở, tím tái.

 

Khi có bất cứ thắc mắc nào về tai nạn bỏng, người dân, cơ sở y tế tuyến dưới có thể gọi cho đường dây nóng theo các số:

 

- 04.6881381/ 069.826327/ 0904125938 (Ths Nguyễn Như Lâm - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu)

 

– 0903202482 (TS Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện bỏng quốc gia).

Đến đường dây nóng tư vấn tai nạn bỏng

 

Từ thực tế liên tục phải tiếp nhận những ca bỏng bị nhiễm khuẩn do tự chữa chạy không đúng, không kịp thời, Viện bỏng quốc gia đã thành lập đường dây nóng 24/24h để hỗ trợ trực tiếp các cơ sở y tế tuyến dưới và nhân dân trong việc sơ cứu, cấp cứu và chuyển nạn nhân bỏng, cung cấp thông tin xử trí khi bị bỏng…

 

Đường dây nóng đã nhận được hàng trăm cú điện thoại của người dân và của cơ sở y tế tuyến dưới hỏi về tư vấn bỏng, những dị tật sau bỏng. Có khá nhiều trường hợp nạn nhân bỏng do chữa trị không đúng cách bị di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vận động, thông qua đường dây nóng đã đến Viện bỏng điều trị và có hiệu quả tốt.

 

Như một trường hợp bỏng khuỷu tay từ năm 2 tuổi gây dính làm tay co gập lại. Thông qua đường dây nóng này, chú bé 11 tuổi đã đến Viện bỏng và chỉ bằng một thủ thuật tách dính đơn giản không tốn kém, cậu đã có thể vận động tay được dễ dàng.

 

TS Lượng cho biết, đường dây nóng cũng tư vấn cho nhân viên y tế tuyến dưới phác đồ điều trị bỏng, công tác vận chuyển người bỏng nặng về tuyến trên. Điển hình là vụ nổ ga ở Thái Nguyên, 6 trường hợp bị bỏng nặng, vừa được hướng dẫn trực tiếp cách xử trí đúng, Viện bỏng vừa cử một kíp lên cùng cấp cứu rồi chuyển bệnh nhân về Viện bỏng điều trị.

 

Phòng tránh tai nạn bỏng

 

Mỗi ngày, viện bỏng tiếp nhận trên dưới 20 bệnh nhân bỏng, trong đó, khoảng 2/3 là trẻ em. Theo thống kê, có tới 60% bệnh nhân bỏng là trẻ em, trong đó hơn 50% là trẻ từ 1 – 5 tuổi. Theo TS Lượng, đây là lứa tuổi hiếu động, lại chưa biết nguy hiểm của các tác nhân gây bỏng, do vậy, cần được người lớn đặc biệt chú ý.

 

Nguyên nhân chủ yếu là nước sôi (chiếm khoảng 60% tỷ lệ tác nhân gây bỏng ở trẻ), sau đó đến lửa, điện. Đặc biệt bỏng tăng mạnh vào mùa hè, nhất là bỏng điện do trẻ thả diều, câu cá dưới đường điện cao thế... Có hè, Viện bỏng phải tiếp nhận tới 40 bệnh nhân bỏng điện, trong đó gần 20 cháu đã phải cắt cụt chi.

 

Vị trí bỏng hay gặp nhất ở trẻ là chân, tay, hai mông. Do bị bỏng vùng mông, sinh dục, sinh môn... nên tình trạng thường nặng thêm do rất dễ bị nhiễm khuẩn. Khoảng thời gian trẻ dễ bị tai nạn bỏng gặp nhiều nhất là từ 18 – 20h. Hai địa điểm hay bị bỏng nhiều nhất là bếp và phòng khách.

 

Những lưu ý hàng đầu khi sơ cứu

 

TS Lượng cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu khi cấp cứu bỏng là phòng sốc. Do mất nước qua vết bỏng, rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông) nên bệnh nhân bỏng bị sốc rất nặng. Biểu hiện mạch nhanh, tụt huyết áp, khó thở, các chức năng sống suy giảm. Cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

 

Sau khi bị bỏng, nhanh chóng ngâm chỗ bỏng vào nước sạch để giảm đau, hạ nhiệt độ - tác nhân gây bỏng và chống rối loạn vi tuần toàn tại chỗ để không hình thành nên các nốt phỏng. Sau khi nhúng nước khoảng 15 – 20 phút, dùng băng sạch băng ép lại sẽ không bao giờ bị nốt phòng.

 

Để phòng sốc, càng bù dịch nhanh càng tốt, đơn giản nhất cho bệnh nhân uống. Với trẻ đang bú sữa mẹ phải cho bú liên tục, uống thêm nước, đặc biệt những nước có khoáng, có muối như oresol. Ở tuyến y tế, phải tìm mọi cách bù dịch, từ đường uống đến đường truyền.

 

Stress cũng là nguyên nhân gây sốc cho bệnh nhân. Sau bỏng sẽ có những hoảng loạn về tinh thần, khi đó phải động viên, an ủi...

 

Khi bị điện giật, người bệnh rất dễ bị ngừng tim, ngừng thở đột ngột, nhưng đấy chỉ là phản xạ. Nếu biết kích thích, biết cấp cứu, tim sẽ đập lại, chức năng phổi được phục hồi. Nguyên tắc là sau khi tách bệnh nhân ra khỏi nguồn điện, phải để bệnh nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo. Khi nào tim đập lại mới được đưa đi cấp cứu.

 

Tất cả những biện pháp sơ cứu trên phải được làm càng nhanh càng tốt để bệnh nhân thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, đặc biệt là giai đoạn sốc.  

Hồng Hải