Singapore giữ vững tinh thần với chiến lược sống chung với Covid-19
(Dân trí) - Singapore đã, đang đạt được một số cột mốc nhất định trên lộ trình "sống chung" với Covid-19.
Khi "Zero Covid" không còn là mục tiêu khả thi
Khả năng lây truyền nhanh, mạnh của biến thể Delta khiến nhiều nước phải chuyển đổi từ chiến lược "Zero Covid" (tạm dịch: không còn ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng) sang mở cửa thận trọng để "sống chung" với Covid-19. Để chinh phục mục tiêu mới, các quốc gia cần tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho người dân, đồng thời trang bị hệ thống y tế vững vàng.
Tại Singapore, nhờ các biện pháp tích cực đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc-xin toàn quốc, tỷ lệ tử vong trung bình do Covid-19 chỉ ở mức 0,2% người trong vòng 28 ngày (tính ngược từ 14/11/2021). Ngay từ tháng 6/2021, chính phủ Singapore xác định đã đến lúc phải "sống chung" với Covid-19 tương tự như với những căn bệnh phổ biến khác, chẳng hạn cúm mùa.
Theo đó, Singapore vạch ra lộ trình 4 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn chuyển đổi A; giai đoạn chuyển đổi B và giai đoạn bình thường mới. Cụ thể, ở giai đoạn đầu tiên, Singapore đưa ra những điều chỉnh quan trọng về quy trình chăm sóc sức khỏe và quy định áp dụng cho các hoạt động xã hội. Ngay khi tình hình cải thiện, quốc gia này sẽ lần lượt bước vào giai đoạn chuyển đổi A và B, mở cửa hơn nữa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, du lịch, nhưng vẫn áp dụng các quy định riêng cho từng nhóm đối tượng theo tình trạng tiêm chủng. Cuối cùng, đảo quốc sẽ chuyển sang trạng thái "bình thường mới".
Chiến lược cẩn trọng này được đánh giá sẽ giúp người dân Singapore có thể dần trở lại cuộc sống bình thường và phục hồi hoạt động kinh tế. Song song, đảo quốc cũng hạn chế được số ca trở nặng hoặc tử vong và giảm thiểu áp lực cho hệ thống y tế.
Singapore đang từng bước hướng đến trạng thái bình thường mới
Singapore trong giai đoạn đầu tiên trên lộ trình "sống chung" với Covid-19. 85% dân số Singapore đã hoàn thành hai liều vắc-xin; 86% đã tiêm ít nhất một liều. Đối với những ca nhiễm trong vòng 28 ngày qua (tính đến 14/11/2021), 98,7% chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Các con số này được đánh giá là tương đối khả quan, bởi hầu hết tất cả trường hợp trở nặng hay tử vong đều là người cao tuổi có bệnh nền.
Với những ca nhiễm Covid-19 không quá nặng, chính phủ Singapore áp dụng biện pháp tiêu chuẩn cách ly, phục hồi tại nhà. Quy trình chăm sóc y tế được đơn giản hóa để người dân biết cần phải làm gì trong trường hợp dương tính hoặc tiếp xúc với ca nhiễm. Chiến lược này giúp hệ thống y tế tránh tình trạng quá tải, ưu tiên nguồn lực cho những người thật sự cần chăm sóc.
Không dừng lại ở đó, để tăng cường bảo vệ cho người dân, Singapore đang triển khai chương trình tiêm liều nhắc lại cho nhóm người cao tuổi, nhóm người suy giảm miễn dịch từ giữa tháng 9. Từ đầu tháng 10, Bộ Y tế Singapore đã mở rộng chương trình tiêm nhắc lại cho nhóm từ 30 tuổi trở lên, nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu.
Cùng với đó, bên cạnh việc tích cực truy vết những ca nhiễm bệnh, thông qua ứng dụng TraceTogether và Safe Entry, các biện pháp giãn cách cũng dành cho người chưa tiêm phòng Covid-19 cũng được siết chặt hơn nữa. Từ ngày 13/10, chỉ những người dân tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin mới được phép ăn uống tại các hawker center, các khu ẩm thực đường phố, trung tâm mua sắm và cửa hàng lớn. Tuy nhiên, chính phủ Singapore sẽ không áp dụng quy định này đối với các đối tượng chưa tiêm chủng cần sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế hoặc trẻ em.
Song song với việc kiểm soát dịch bệnh trong nước, Singapore cũng đang tiến hành mở cửa trở lại một cách cẩn trọng. Việc mở cửa này phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch và tiêm chủng của các nước. Tính đến hiện tại, Singapore đã mở cửa hành lang du lịch dành cho người đã tiêm chủng với 16 nước. Cụ thể, từ tháng 9/2021, quốc gia này đã bắt đầu mở cửa với Đức và Brunei, đồng thời áp dụng các quy định nghiêm ngặt về xét nghiệm, cách ly và thẻ thông hành vắc-xin. Trong tháng 10 và tháng 11, Singapore tiếp tục nới lỏng hành lang du lịch với 14 nước trong đó có Úc, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Mã Lai, Phần Lan và Thụy Điển.
Trong lần cập nhật vào ngày 8/11, Singapore cũng đã đánh giá và đưa Việt Nam từ nhóm III lên nhóm II trong khung đánh giá rủi ro nhờ vào các nỗ lực tích cực kiểm soát dịch tại đây. Theo đó, quy định cách ly dành cho du khách Việt khi nhập cảnh vào đất nước này cũng được nới lỏng hơn. Dù phải đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19, GDP quý III/2021 của Singapore vẫn tăng trưởng dương 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số biết nói này là minh chứng cho hiệu quả của chiến lược "sống chung" với Covid-19 tại đảo quốc Sư Tử. Nhìn vào cách mà quốc gia kiên cường này đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược sống chung với Covid-19 mỗi ngày, tin chắc các nước trong khu vực cũng có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình.