Sẽ dùng Robot hiện đại nhất để điều trị ung thư thực quản, nạo vét hạch 3 vùng

Theo các bác sĩ, việc ứng dụng phẫu thuật nội soi Robot vào điều trị ung thư thực quản sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh, phẫu thuật tinh tế hơn, dễ dàng hơn, an toàn và hiệu quả hơn trong nạo vét hạch 3 vùng.

Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư năm 2018, nước ta có khoảng hơn 2.400 ca mắc mới và hơn 2.200 người tử vong vì căn bệnh ung thư thực quản. Ung thư thực quản là loại ung thư thường gặp ở cả 2 giới và hiện có xu hướng gia tăng.

TS. BS Phạm Văn Bình - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, BV K Trung ương cho biết: “Trong phẫu thuật ung thư việc lấy triệt để tổn thương tế bào ung thư và hệ thống bạch huyết liên quan là nguyên tắc cơ bản nhất. Đối với ung thư thực quản ngoài việc cắt toàn bộ thực quản và khối u thì việc nạo vét hạch thực quản đã, đang và sẽ là thách thức đối với việc phẫu thuật điều trị căn bệnh này. Do mục đích khi thực hiện kỹ thuật này là nạo vét triệt để hơn, kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng sống tốt nhất cho người bệnh.”

Trong nạo vét hạch ung thư thực quản thường phân chia làm 3 vùng: vùng dưới, vùng giữa, vùng trên. Đối với kỹ thuật nạo vét hạch vùng dưới và vùng giữa không đặt ra nhiều thách thức với kỹ thuật viên. Tuy nhiên nạo vét hạch vùng trên thì đòi hỏi kỹ thuật khó hơn, tinh tế hơn do đặc thù của cấu trúc giải phẫu vùng phía trên phức tạp hơn đặc biệt là các nhánh hệ thống thần kinh quặt ngược và các mạch máu.

Mới đây, PGS.TS.BS Koji Otsuka - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật điều trị ung thư tại Nhật Bản, đặc biệt có nhiều năm kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi ung thư thực quản đã cùng ekip các bác sĩ khoa Ngoại bụng 1 thực hiện mổ trình diễn kỹ thuật nạo vét hạch 3 vùng đặc biệt là vùng phía trên, ca phẫu thuật được truyền hình trực tuyến từ phòng mổ đến hội trường của Bệnh viện K.

Sẽ dùng Robot hiện đại nhất để điều trị ung thư thực quản, nạo vét hạch 3 vùng - 1
Đây là trường hợp bệnh nhân nam, 63 tuổi, với tổn thương ung thư thực quản 1/3 giữa dưới, giai đoạn T2N0M0, các chỉ số đánh giá trước mổ hoàn toàn phù hợp phẫu thuật nội soi ung thư thực quản. Sau ca phẫu thuật 3 tiếng, bệnh nhân được cắt toàn bộ thực quản, nạo vét hạch 3 vùng, tạo hình thực quản mới bằng ống dạ dày và thực hiện miệng nối giữa dạ dày và ống thực quản.

Kỹ thuật này mặc dù đã được triển khai thường quy tại Bệnh viện K, tuy nhiên hội thảo lần này sẽ giúp hệ thống hóa lại kỹ thuật mổ nội soi nạo vét hạch 3 vùng một cách tinh tế hơn, mang tính chất đào tạo cho phẫu thuật viên trẻ trong điều trị ung thư thực quản. Kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm vững cấu trúc giải phẫu, đặc biệt là các nhánh, sự phân bố của 2 dây thần kinh quặt ngược và các hệ thống mạch máu cũng như thần kinh giao cảm. Thách thức đặt ra của nạo vét hạch vùng này là nếu không tuân thủ theo nguyên tắc chuẩn trong điều trị ung thư sẽ gây nên biến chứng rất đáng tiếc như biến chứng dây thần kinh quặt ngược, biến chứng về ống ngực, thần kinh giao cảm và hệ thống mạch máu.

Kỹ thuật nạo vét hạch vùng 3 được thực hiện ngược theo chiều kim đồng hồ và không đụng chạm nhiều vào dây thần kinh quặt ngược là một kỹ thuật tinh tế và hiện được ứng dụng, thực hiện nhiều tại Nhật Bản. Áp dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi ung thư thực quản sẽ giúp cho việc xâm lấn tối thiểu, người bệnh hồi phục nhanh sau mổ, giảm đau tối đa và đặc biệt là giảm các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng...

Đối với phẫu thuật nạo vét hạch 3 vùng, ngoài việc ứng dụng kỹ thuật nội soi 3D thì trong tương lai gần, Bệnh viện K sẽ tiếp tục ứng dụng phẫu thuật nội soi Robot Davinci thế hệ Xi vào phẫu thuật ung thư thực quản. Việc ứng dụng phẫu thuật nội soi Robot vào điều trị ung thư thực quản sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh, phẫu thuật tinh tế hơn, dễ dàng hơn, an toàn và hiệu quả hơn trong nạo vét hạch 3 vùng.

Theo Sức khoẻ &Đời sống