1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Sẽ có hơn 550 thuốc thuộc diện bình ổn đặc biệt

(Dân trí) - Với số lượng hơn 550 mặt hàng thuốc bình ổn thị trường, thành phố đặt mục tiêu đảm bảo 50% nhu cầu các nhóm thuốc thiết yếu của người dân. Đây là chương trình bình ổn đặc biệt chỉ có tại TPHCM.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trong năm 2016 - 2017 vừa được UBND thành phố ban hành.

Thuốc cho dự phòng và điều trị là mặt hàng thiết yếu
Thuốc cho dự phòng và điều trị là mặt hàng thiết yếu

Ngày 26/5, tại buổi ra quân triển khai kế hoạch bình ổn, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn được thực hiện từ năm 2011 đến nay. Đây là chương trình đặc biệt, bởi trên cả nước chỉ có mình TPHCM thực hiện.

Hiện, thị trường thuốc bình ổn đã có 14 doanh nghiệp dược tham gia, danh mục thuốc bình ổn tăng lên 551 mặt hàng được bán tại 3.852 nhà thuốc GPP và đại lý trên toàn thành phố. Danh mục thuốc bình ổn thị trường gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng, bao gồm cả thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để điều trị các bệnh thường gặp, các bệnh mạn tính, các bệnh chuyên khoa với giá bán thấp hơn các loại dược phẩm có cùng biệt dược trên thị trường từ 5% đến 10%.

Dự kiến đến năm 2017, thành phố sẽ có 4.000 điểm bán thuốc bình ổn và 563 mặt hàng thuốc bình ổn. Ngành y tế thành phố kỳ vọng, thuốc trong chương trình bình ổn có khả năng cân đối cung cầu trên địa bàn kể cả khi có biến động về giá xảy ra. Các mặt hàng thuốc bình ổn sẽ được phân phối đến người bệnh đặc biệt là những người có thu nhập thấp, điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh với nhu cầu dùng thuốc nhiều.

Cùng với các chương trình bình ổn lương thực - thực phẩm, bình ổn dược phẩm là một trong những chiến lược quan trọng của thành phố để thực hiện công tác an sinh xã hội. Chương trình trên gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Vân Sơn