1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ cách ly hoàn toàn các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9

(Dân trí) - Nhận định chủng cúm mới rất nguy hiểm bởi tỉ lệ tử vong cao, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người và yêu cầu các ca nhiễm chủng cúm mới này buộc phải cách ly hoàn toàn.

Tamiflu vẫn đáp ứng điều trị
 
Ngày 10/4, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người, chính thức đưa vào áp dụng tại các cơ sở y tế.
 
Theo Bộ Y tế, vi rút cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao.
Các ca nghi ngờ nhiễm, ca nhiễm cúm A/H7N9 phải cách ly hoàn toàn, phải đeo
Các ca nghi ngờ nhiễm, ca nhiễm cúm A/H7N9 phải cách ly hoàn toàn, phải đeo khẩu trang ngoại khoa ngay cả khi ở trong phòng bệnh. Trong ảnh, Thứ trưởng Bộ Y tế thị sát tình hình kiểm soát dịch bệnh tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: H.Hải

Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết về phát hiện ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9. Theo đó, ca bệnh nghi ngờ là những người có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với cúm A/H7N9 trong vòng 2 tuần, có tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ; tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (chế biến, vận chuyển, giết mổ gia cầm bị bệnh chưa nấu chín); tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc cúm A/H7N9. Ngoài ra, những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi đều là những ca nghi ngờ.

Còn để khẳng định bệnh nhân có bị nhiễm cúm A/H7N9 phải dựa vào kết quả xét nghiệm bệnh phẩm bằng xét nghiệm PCR/giải trình tự gen/phân lập vi rút cúm A/H7N9.

Bộ Y tế cho biết, bệnh cảnh lâm sàng do vi rút cúm A/H7N9 gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với tỉ lệ tử vong cao, vì vậy cần phải phân biệt với các trường hợp cúm nặng khác (cúm A/H1N1 hoặc A/H5N1); bệnh viêm phổi do các vi rút khác; bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp; viêm phổi nặng do vi khuẩn.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết việc sử dụng thuốc ức chế vi rút thuốc uống Tamiflu (hoạt chất là oseltamivia), Oseltamivia, Zanamivir. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, với những trường hợp nặng, đáp ứng chậm với thuốc kháng vi rút có thể dùng liều gấp đôi với thời gian điều trị có thể kéo dài đến 10 ngày hoặc đến khi xét nghiệm vi rút trở về âm tính. Tuy nhiên cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng phù hợp.

Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn điều trị cụ thể với các trường hợp suy hô hấp từ mức độ nhẹ đến nặng, xử lý với các trường hợp suy đa tạng (nếu có).

Cách ly tuyệt đối

Do tính chất nguy hiểm của chủng cúm này, để phòng ngừa lây lan, Bộ Y tế ra quy định chặt chẽ trong việc cách ly, giám sát người bệnh.

Theo đó, tất cả các ca bệnh nghi ngờ đều phải khám tại bệnh viện, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh, không xếp chung với người bệnh khác, phải đeo khẩu trang ngoại khoa kể cả khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh. Còn khi xác định bệnh cần nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn. Sử dụng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt.

Để phòng ngừa nguy cơ lây lan trong bệnh viện, các xét nghiệm, khám chuyên khoa đến chụp X-quang cho bệnh nhân cúm A/H7N9 tiến hành tại giường. Nếu không đủ điều kiện, trước khi chuyển bệnh nhân đi phải thực hiện các biện pháp dự phòng cần thiết.

Nhân viên y tế cũng cần thực hiện một loạt các biện pháp để phòng lây bệnh, lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc điều trị và nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh. Những nhân viên có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh cần được khám, làm các xét nghiệm và theo dõi như người bệnh nghi ngờ bị cúm nặng.

Để phòng ngừa lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu người dân không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm chưa được kiểm định đúng quy định. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, xỉ mũi bằng khăn hoặc giấy và rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các biện pháp phòng hộ lao động và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh sau khi tiếp xúc với gia cầm; Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đường hô hấp cấp.

Bệnh nhân cúm A/H7N9 chỉ được xuất viện khi đã hết sốt 3 - 5 ngày, toàn trạng tốt, các xét nghiệm máu, hình ảnh Xquang phổi bình thường. Tuy nhiên khi xuất viện, người bệnh cần theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần. Nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.

 Trung Quốc: 9 ca tử vong vì cúm gia cầm H7N9

 

Các quan chức y tế cho biết 2 bệnh nhân tại tỉnh Giang Tô và An Huy đã được xác

nhận là những trường hợp tử vong vì cúm gia cầm H7N9 vào chiều ngày 9/4.

 

Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Trung Quốc đã công bố tổng số ca mắc đã là 28 trường hợp và thêm 1 trường hợp tử vong vì cúm H7N9 trên cả nước, nâng tổng số ca tử vong lên tới con số 9.

 

Trong đó, Thượng Hải có 13 trường hợp nhiễm H7N9, trong đó có 5 ca tử vong. Giang Tô có 8 trường hợp nhiễm cúm, trong đó có 1 ca tử vong. An Huy có 2 trường hợp nhiễm

cúm trong đó có 1 ca tử vong. Có 5 trường hợp nhiễm H7N9 được báo cáo ở Chiết Giang, trong đó có 2 ca tử vong.

 

Đặc biệt, đã có trường hợp bệnh nhân H7N9 đầu tiên xuất viện. Đó là 1 cậu bé 4 tuổi, một trong 28 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9.

 

Hùng Cường

 
Hồng Hải