Sau 5 ngày thở máy, ca Covid-19 nặng ở Hà Nội diễn biến thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh nhân có tiền sử cắt một phần tuyến giáp, có thể ảnh hưởng đến tuyến cận giáp dẫn đến rối loạn các loại điện giải. Ngày 6/1, bệnh nhân được đặt nội khí quản để thở máy xâm nhập do suy hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), vào sáng 11/1, cho biết tình trạng của nữ bệnh nhân Covid-19, 61 tuổi, phải thở máy (BN1465) đã ổn định, tình trạng phổi khỏe hơn. Các bác sĩ đang xem xét việc cai máy thở cho bệnh nhân.

Sau 5 ngày thở máy, ca Covid-19 nặng ở Hà Nội diễn biến thế nào? - 1

BN1465 được điều trị trong phòng áp lực âm

Cụ thể, sau 5 ngày phải thở máy do phổi bị tổn thương trên 75%, hiện tại phổi của BN1465 đã dần hồi phục, giảm các tổn thương, trao đổi oxy máu tốt hơn. Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân không bị diễn biến xấu.

BN1465 là 1 trong 2 ca Covid-19 diễn biến nặng đã được tiến hành hội chẩn với Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế vào ngày 7/1.

Sau 5 ngày thở máy, ca Covid-19 nặng ở Hà Nội diễn biến thế nào? - 2

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, phổi của BN1465 diễn biến tốt lên

Trước đó, BN1465 trở về từ Mỹ ngày 21/12/2020, tiền sử cắt thùy giáp bên phải. Ngày 26/12/2020, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai (Hà Nội), sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào ngày 31/12/2020.  Những ngày tiếp theo bệnh nhân mệt nhiều, run chân tay, chán ăn.

Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân có tổn thương phổi rộng, trên 75%, trao đổi oxy kém. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng "cơn bão cytokine" tương đối trầm trọng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tình trạng tổn thương tim, rối loạn đông máu nặng. Do đó, bệnh nhân được chuyển sang phòng áp lực âm, khoa Cấp cứu và được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở xâm nhập.