Sau 3 tháng hôn mê, nữ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh dễ nhầm lẫn

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, lơ mơ, bệnh nhân rơi vào hôn mê, tử vong sau 3 tháng điều trị. Bác sĩ cảnh báo, viêm não tự miễn là căn bệnh nguy hiểm, chưa xác định được nguyên nhân, dễ nhầm với bệnh lý khác, nguy cơ tử vong cao.

Triệu chứng dễ nhầm với bệnh tâm thần 

Trường hợp xấu số trên là nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Thúy H. (31 tuổi, ngụ tại Long An) được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Ngày 20/9, chồng bệnh nhân cho hay, sau 3 tháng hôn mê, tình trạng bệnh của chị Thúy H. diễn tiến nặng nên gia đình đã đưa về lo hậu sự. Bác sĩ  xác định bệnh nhân tử vong do căn bệnh viêm não tự miễn, việc điều trị không mang lại kết quả. 

Được biết, trước khi nhập viện, chị Thúy H. có các biểu hiện đau đầu, ảo giác, mất trí nhớ… gia đình nghĩ chị bị bệnh lý thần kinh nên đưa vào bệnh viện Tâm thần điều trị. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ đã loại trừ các vấn đề liên quan đến bệnh tâm thần, nữ bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. 

Sau 3 tháng hôn mê, nữ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh dễ nhầm lẫn - 1
Trước khi được chẩn đoán bị viêm não tự miễn bệnh nhân được gia đình đưa đi điều trị tâm thần

BS Phạm Kiểu Nguyệt Oanh, Phó khoa Nhiễm Việt – Anh cho hay, qua xét nghiệm dịch não tủy và các kiểm tra cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm não tự miễn. Đây là tình trạng cơ thể tự tạo ra chất (NMDA) gây tổn thương não, biểu hiện ra ngoài bằng rối loạn hành vi, loạn động… Nữ bệnh nhân rơi vào hôn mê, được cho thở máy, điều trị tích cực bằng corticoid, immunoglobuin kết hợp thay huyết tương. Tuy nhiên, sau gần tháng điều trị, tình trạng bệnh diễn tiến nặng, nữ bệnh nhân không qua được nguy kịch. 

Từ trường hợp trên, bác sĩ cho biết, viêm não là một bệnh lý viêm nhiễm ở não bộ với biểu hiện sốt cao, co giật, yếu liệt và hôn mê. Bệnh thường để lại nhiều di chứng nặng nề và có tỷ lệ tử vong khoảng 20%. Bệnh cảnh viêm não cấp thường do các nguyên nhân như: virus hoặc miễn dịch (hay còn gọi là tự miễn). Tại Việt Nam, 1/3 các trường hợp viêm não cấp ở người lớn xác định được tác nhân virus: virus gây viêm não Nhật Bản, virus dengue, Herpes simplex… Phần lớn các trường hợp viêm não còn lại không xác định được chính xác nguyên nhân.

Biết sớm có thể trị lành

Với sự hợp tác chuyên môn thông qua dự án nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng trầm trọng tại Việt Nam giữa bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và trường đại học Oxford (nước Anh) hiện bệnh viện có thể xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm não tự miễn do kháng thể kháng thụ thể N-methyl D-aspartate (viết tắt là viêm não NMDA).

Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho thấy, từ năm 2015 đến nay tại đây đã tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị từ 10 đến 15 bệnh nhân viêm não tự miễn mỗi năm, cư ngụ tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam Việt Nam. Những bệnh nhân được xác định bị viêm não tự miễn trước kia đều chẩn đoán là viêm não không xác định được nguyên nhân và phần lớn bị di chứng trầm trọng hoặc tử vong. Viêm não tự miễn có rất nhiều loại, trong đó viêm não NMDA là loại viêm não tự miễn thường gặp nhất.

Sau 3 tháng hôn mê, nữ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh dễ nhầm lẫn - 2
Viêm não tự miễn là bệnh nguy hiểm nhưng nhận biết sớm có thể trị lành

Trong bệnh lý viêm não tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự sản sinh ra một chất bảo vệ (còn gọi là kháng thể) chống lại chính một cấu trúc rất nhỏ trên bề mặt tế bào thần kinh ở não bộ (thụ thể N-methyl-D-aspartate). Tác động này làm tổn hại hệ thần kinh, đưa đến các biểu hiện tâm thần kinh của bệnh. Bệnh thường gặp ở người trẻ với 75% bệnh nhân trong độ tuổi 16 đến 30, nữ nhiều hơn nam, bướu quái buồng trứng được tìm thấy ở 30% bệnh nhân nữ.

Bệnh nhân bị viêm não tự miễn trong hai tuần đầu thường có biểu hiện: lo âu, mất ngủ, giảm trí nhớ, có hành vi bất thường, ảo thị (nhìn thấy vật thể lạ, người lạ..), ảo thanh (nghe tiếng nói trong tai, nghe âm thanh lạ…), kích động. Những biểu hiện trên khiến người bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý tâm thần nên gia đình thường đưa vào điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

Từ tuần thứ ba trở đi, bệnh nhân xuất hiện co giật, lơ mơ, không tiếp xúc với người xung quanh, gồng cứng chân tay, nhai miệng liên tục làm tổn thương môi và lưỡi, tay chân có các cử động bất thường liên tục. Các biểu hiện trên chứng tỏ bệnh nhân không phải bị tâm thần mà bị bệnh viêm não. Bệnh diễn tiến nhanh đến thở yếu, cần phải hỗ trợ bằng máy thở.

Bệnh nhân sẽ được phối hợp nhiều phương thức điều trị miễn dịch như: sử dụng thuốc ức chế miễn dịch; truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch; thay huyết tương. Nếu bệnh nhân có bướu quái sẽ được cắt bướu quái tại bệnh viện chuyên khoa sản. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chăm sóc đặc biệt với dinh dưỡng đầy đủ, điều trị các nhiễm trùng mắc phải trong quá trình nằm viện. Nếu điều trị tích cực thì 75% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn hoặc có di chứng nhẹ khoảng 25% sẽ đối mặt di chứng nặng về thần kinh, vận động hoặc tử vong.

Để giúp bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần nhận biết rõ triệu chứng của viêm não tự miễn để đưa tới bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm