Sắp có vắc xin cúm A/H7N9 trên người
(Dân trí) - Trung Quốc đang xúc tiến nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H7N9 và dự kiến sẽ đưa ra thị trường vắc xin phòng cúm A/H7N9 trên người vào tháng 5 này.
Đó là thông tin do đại diện của Bộ Ngoại giao công bố tại cuộc họp giao ban tuần của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống cúm gia cầm diễn ra chiều 01/4 tại Hà Nội.
“Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã đầu tư nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H7N9 từ tháng 10 năm 2013. Dự kiến tháng 5 này sẽ có thể đưa ra thị trường vắc xin phòng cúm A/H7N9 trên người. Việc nghiên cứu vắc xin phòng cúm A/H7N9 trên người vẫn tiếp tục được tiến hành vì hiện nay cúm A/H7N9 chưa có biểu hiện lây từ người sang người,” vị đại diện này cho biết.
Hiện nay, Trung Quốc đang khẩn cấp yêu cầu các địa phương phòng ngừa triển khai giám sát; tập trung khu trọng điểm, nâng cao khả năng xử lý tại chỗ, nếu phát hiện có dịch sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ gia cầm và đảm bảo cách ly; tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh báo về dịch; thường xuyên lấy các mẫu tại các chợ mang đi xét nghiệm.
Theo đại diện của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/3 trên thế giới đã có 401 người mắc cúm A/H7N9 trong đó có 121 người tử vong xảy ra tại 18 tỉnh thành phố ở Trung Quốc và ở Đài Loan, Hồng Kông, và Malaysia.
Tỉnh Quảng Đông tiếp giáp với biên giới phía Bắc của Việt Nam đã ghi nhận 94 bệnh nhân cúm A/H7N9 trong đó có 18 người chết, tỉnh Quảng Tây có 4 bệnh nhân nhưng chưa có ca nào chết.
Liên quan đến việc sản xuất vắc xin cúm gia cầm A/H5N1, đại diện của Viện Chăn nuôi cho biết Hội đồng khoa học quốc gia đã công nhận một số giống vắc xin cúm gia cầm như 1.1, 2.3.2.1A, 2.3.2.1C được sản xuất trong nước.
Việc sản xuất vắc xin nội vẫn gặp nhiều khó khăn do đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu công nghệ thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu còn hạn chế. Hiện mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỷ đồng cho việc nhập vắc xin phòng chống cúm gia cầm từ Trung Quốc.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong hai tuần qua cả nước đã có 9 tỉnh, thành phố có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 cũ đã qua 21 ngày: Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Nam. Cũng trong hai tuần qua, không có tỉnh mới phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm, chỉ có các tỉnh Khánh Hòa và Bến Tre có cập nhật thêm tình hình dịch, làm tổng số 3.045 con gia cầm mắc bệnh. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 4.106 con. Hiện nay, cả nước còn 13 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 5 tỉnh gồm Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Giang, Bình Thuận và Bến Tre. |